Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận
2 giờ trướcBài gốc
Tham dự và làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có lãnh đạo Bộ, Văn phòng Bộ và các Vụ, Cục, Viện trực thuộc Bộ Công Thương gồm: Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, Cục Công Thương địa phương, Viện Năng lượng.
Về phía tỉnh Ninh Thuận có ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện các Sở: Công Thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phong Lâm
Tỉnh Ninh Thuận đề xuất xây dựng Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã trình bày “Báo cáo kết quả phát triển năng lượng theo Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh; tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII và đề xuất xây dựng Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực”.
Theo ông Trịnh Minh Hoàng, về Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đầu tư và đưa vào vận hành thương mại (COD) 57 dự án với các nguồn điện (điện mặt trời, điện gió, thủy điện) với tổng công suất 3.749.942 MW.
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, có 04 dự án vướng mắc về địa điểm thực hiện dự án so với địa điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể như: Nhà máy điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; Nhà máy điện mặt trời Adani-Phước Minh; Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh và Nhà máy năng lượng tái tạo Bim 2.
Để sớm tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc, khó khăn Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất về ranh giới, địa điểm thực hiện dự án theo phạm vi, ranh giới quyết định chủ trương đầu tư dự án và theo ý kiến của Bộ Công Thương tại Công văn số 4615/BCT-ĐL ngày 14/7/2023 để thực hiện thanh toán tiền điện.
Chỉ đạo Bộ Công Thương cập nhật các dự án điện mặt trời tập trung trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vào Danh mục điều chỉnh bổ sung vào Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chỉ đạo Bộ Công Thương hiệu chỉnh giai đoạn vận hành từ 2026-2030 đối với phần công suất 93MW của dự án Nhà máy điện gió Hanbaram và Dự án mở rộng trạm biến áp 220kV Phước Thái thành giai đoạn vận hành 2023-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xem xét tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch đối với dự án điện gió Công Hải 1 – giai đoạn 1 và giai đoạn 2 theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Về Quy hoạch điện VIII, báo cáo từ tỉnh Ninh Thuận cho thấy, tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 01 dự án mới trong danh mục dự án các nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Danh mục Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII (tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024) và trong Danh mục các chương trình, công trình dự án quan trọng quốc gia trong điểm ngành năng lượng (tại Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 02/4/2024), hiện nhà đầu tư đang triển khai hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai thi công dự án theo đúng tiến độ quy định. Các dự án còn lại do vướng mắc về phương án đầu nối, cơ chế hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư... nên chưa cấp quyết định chủ trương đầu tư để triển khai đầu tư.
Đồng thời, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách hướng dẫn triển khai thực hiện điện mặt trời mái nhà; nguồn quy hoạch điện gió ngoài khơi chưa được phân bổ quy mô công suất cụ thể cho tỉnh nên chưa có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trình bày những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai các Quy hoạch điện VII và điện VII. Ảnh: Cấn Dũng
Để đẩy nhanh tiến độ dự án trong Quy hoạch điện VIII, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét có ý kiến chỉ đạo một số nội dung.
Cụ thể, đối với Dự án LNG Cà Ná, để sớm hoàn thiện hồ sơ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ:
Hướng dẫn tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực địa phương là mức trần giá điện dưới trần khung giá và nguyên tắc giá được thống nhất với bên mua điện theo quy định pháp luật về điện lực trong hồ sơ thầu tại Khoản 2, Điều 49 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP.
Hướng dẫn thực hiện điểm m khoản 1 Điều 47 của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP trong trường hợp cần thiết và ban hành mẫu hồ sơ đấu thầu, bảo đảm đáp ứng các điều kiện triển khai các dự án thuộc quy hoạch ngành quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. (theo điểm c, Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ).
Hướng dẫn về xác định bên mua điện và dự thảo hợp đồng PPA để triển khai theo Khoản 7 Điều 70 của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 của Chính phủ.
Theo ý kiến của Bộ Công Thương có Công văn số 7940/BCT-ĐL ngày 08/10/2024: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định nêu trên, dự kiến ban hành trong tháng 11/2024.
Việc sớm tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án điện lực trong quá trình xây dựng Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương là cần thiết, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực”.
Do đó, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến làm rõ dự án LNG Cà Ná có phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; đề nghị Tập Đoàn điện lực Việt Nam sớm đầu tư hạ tầng đấu nối dự án LNG Cà Ná theo đúng tiến độ quy hoạch được duyệt.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành khung giá điện thủy điện tích năng và điện gió để làm cơ sở triển khai tiếp theo sau khi chấp thuận được nhà đầu tư triển khai dự án. Theo tình hình thực tế xem xét điều chỉnh thời gian đưa vào vận hành đối với các dự án điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và điện gió ven bờ) có giai đoạn vận hành 2023-2025 của tỉnh Ninh Thuận thành giai đoạn vận hành 2023- 2027.
Đồng thời, sớm tháo gỡ vướng mắc các dự án nguồn điện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 nhưng chưa được phê duyệt phương án đấu nối cụ thể đối với các dự án có cấp điện áp 220kV – 500kV và cấp điện áp 110kV trở xuống.
Đặc biệt, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng nêu đề xuất của tỉnh Ninh Thuận đối với Bộ Công Thương về việc xây dựng Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, để triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024, Quyết định số 376/QĐ- TTg ngày 04/5/2024 và Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận trên lĩnh vực năng lượng tái tạo so với các địa phương trong vùng, đồng thời Ninh Thuận đang triển khai thi công Cảng biển tổng hợp Cà Ná có khả năng tiếp nhận tàu đến 300.000 tấn, Khu công nghiệp Cà Ná (827,2 ha) đang hoàn tất thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, được định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, rất phù hợp với các tiêu chí của Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng được xác định tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện đường cao tốc Bắc Nam (đoạn qua tỉnh) đưa vào hoạt động tháng 4/2024. Tập trung đầu tư đường nối từ cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển tổng hợp Cà Ná dài 14,5 km; chuẩn bị đầu tư tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên được coi là động lực đột phá phát triển hành lang các trục Đông – Tây, là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị bổ sung Trung tâm Logistics hạng II cấp vùng tại Cà Ná vào hệ thống Trung tâm logistics cấp vùng, kêu gọi đầu tư Cảng cạn Cà Ná, phát triển 02 kho xăng dầu với quy mô 100.000 m3, phát triển mạnh mẽ công nghiệp, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với tiềm năng lợi thế có sẵn, vị trí giao thông kết nối rất thuận lợi với các tỉnh trong khu vực, tỉnh Ninh Thuận đáp ứng các tiêu chí để hình thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Để tỉnh Ninh Thuận có cơ hội vươn lên, phát huy mạnh mẽ tiềm năng năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong 02 năm cuối nhiệm kỳ 2020-2025, và tạo đà phát triển trong nhiệm kỳ 2026-2030, đưa Ninh Thuận phát triển xứng tầm với các tỉnh trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn lập Đề án “xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận”. Tỉnh Ninh Thuận bày tỏ mong muốn Ban cán sự đảng Bộ Công Thương quan tâm thống nhất chủ trương “Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận và Bình Thuận” đặt vị trí tại tỉnh Ninh Thuận.
Đề nghị Ninh Thuận khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch
Sau phần trình bày của tỉnh Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã giao các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ nghiên cứu và trả lời một số vấn đề ngay tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh nói chung và Ninh Thuận nói riêng về phát triển năng lượng tái tạo và một số lĩnh vực khác. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn được Bộ Công Thương đưa ra cho đến nay được đánh giá là hiệu quả.
Mặc dù vậy, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan, đến nay một số vấn đề vẫn còn những vướng mắc. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận mong muốn tiếp tục được Bộ Công Thương quan tâm, góp ý.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, năng lượng tái tạo vẫn là định hướng trọng tâm trong phát triển của Ninh Thuận trong tương lai. Tỉnh mong muốn Bộ Công Thương cùng phối hợp với tỉnh để nghiên cứu sớm, triển khai việc xây dựng Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đang nghiên cứu chiến lược phát triển của tỉnh và sắp tới sẽ gửi văn bản tới Bộ Công Thương để xin góp ý và hướng dẫn trong một số vấn đề liên quan tới ngành. Chiến lược này sẽ phục vụ cho phát triển Ninh Thuận trong 5-10 năm tới.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận trong triển khai các dự án về khoáng sản, năng lượng nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ Công Thương sẽ có thông báo kết luận sau buổi làm việc, trả lời rõ để tỉnh nắm được. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng tổng kết lại một số ý kiến từ Bộ Công Thương trong buổi làm việc:
Một là, Bộ Công Thương ủng hộ hoàn toàn việc Ninh Thuận sẽ trở thành một trong những trung tâm chuyên về dịch vụ năng lượng tái tạo. Ninh Thuận có đủ các yếu tố, điều kiện thuận lợi và từng được xác định là trung tâm năng lượng phía Nam. Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng và các đơn vị liên quan hoàn thiện các quy trình thủ tục và phối hợp tỉnh Ninh Thuận trình Chính phủ trong tháng 11/2024. Tỉnh Ninh Thuận cũng cần giao cho các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cùng phối hợp triển khai.
Hai là, về việc Quy hoạch điện VIII đã xác định Ninh Thuận là địa điểm triển khai nhiều dự án nguồn về truyền tải, Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Ninh Thuận khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư và phối hợp triển khai theo kế hoạch được duyệt. Ninh Thuận cần lập Ban chỉ đạo để phát triển các dự án về năng lượng và khoáng sản.
Ba là, Ninh Thuận là nơi được xác định là trọng điểm của các quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản, đặc biệt là về xăng dầu, khí đốt và quy hoạch về điện năng.
Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Ninh Thuận khẩn trương rà soát, cập nhật quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia để điều chỉnh quy hoạch tỉnh, sẵn sàng đón các dự án trọng điểm về năng lượng, khoáng sản và các dự án thuộc quy hoạch ngành, quốc gia khác.
Bốn là, trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, Ninh Thuận cũng là địa phương trọng điểm. Bộ Công Thương kiến nghị tỉnh khẩn trương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, khai thác các hiệp định thương mại tự do.
Năm là, Bộ Công Thương kiến nghị song song với việc xin cơ chế đặc thù, tỉnh Ninh Thuận cần tập trung thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt.
Phong Lâm
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-nguyen-hong-dien-lam-viec-voi-doan-cong-tac-tinh-ninh-thuan-352221.html