Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Về các ý kiến của các đại biểu, bên cạnh sự đồng thuận cao, các đại biểu cũng đã bày tỏ một số băn khoăn về chi tiết kỹ thuật và mong muốn hoàn thiện. Bộ trưởng cho biết đã ghi nhận đầy đủ và sẽ nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở vòng cuối.
Với tinh thần phân cấp, nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non giao Chính phủ xây dựng đề án chi tiết trong 5 năm, với các kế hoạch phù hợp từng vùng miền. Đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn về chi tiết triển khai, Bộ trưởng khẳng định sẽ xây dựng đề án công phu, được Chính phủ thẩm định kỹ lưỡng, và báo cáo Quốc hội về tổng ngân sách.
Về thách thức, Bộ trưởng cho rằng, đại biểu Trương Xuân Cừ đã phân tích đúng ý nghĩa của giáo dục mầm non trong việc giúp trẻ miền núi học tiếng Việt trước khi vào lớp 1, một vấn đề quan trọng mà ông thấu hiểu qua 25 năm kinh nghiệm và công tác tại Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Về lo ngại của đại biểu Nguyễn Thị Lan rằng học sinh có thể chuyển từ trường tư sang công, gây quá tải, đại biểu Bùi Hoài Sơn đã phần nào giải đáp khi nêu rằng tỷ lệ trường công lập chiếm đa số, và các trường tư tại Hà Nội đã khẳng định uy tín, với nhu cầu tuyển sinh cao. Bộ trưởng cho biết, thực tế, từ năm 2020, Hà Nội đã áp dụng tuyển sinh trực tuyến, giảm áp lực xếp hàng, nên lo ngại này không quá lớn. Tuy nhiên, Bộ sẽ tăng cường bố trí trường chất lượng cao ở ngoại thành và khu đông dân cư để giảm áp lực.
Về các trường chuyên, năng khiếu, Luật Giáo dục (Điều 61, 62, 63) đã quy định rõ chính sách bồi dưỡng nhân tài, với nguồn đầu tư riêng từ Nhà nước, nên không quá khó khăn trong triển khai. Đối với học sinh học chương trình phổ thông tại các cơ sở khác, như trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường cao đẳng, họ cũng thuộc đối tượng được miễn học phí như học sinh phổ thông thông thường.
Về hỗ trợ trường tư thục, nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố xác định mức hỗ trợ tương đương học phí trường công, cấp trực tiếp cho người học. Phụ huynh trường tư vẫn trả học phí theo thỏa thuận, nhưng được Nhà nước hỗ trợ một phần, phù hợp với chuyển đổi số hiện nay, đảm bảo thuận tiện và minh bạch. Đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách, như lo ngại của đại biểu Nguyễn Thị Lan, tổng ngân sách hơn 30.000 tỷ đồng đã tính toán đủ để cấp bù cho các tỉnh này, với 10 tỉnh, thành phố hiện đã miễn học phí. Nghị quyết sẽ có hiệu lực ngay để Hội đồng nhân dân các địa phương ban hành mức hỗ trợ phù hợp.
Về đề xuất của đại biểu Trương Xuân Cừ về hạn chế các khoản phí ngoài học phí, Bộ trưởng cho biết, Thông tư 29 đã quy định miễn phí dạy thêm cho ba nhóm đối tượng: học sinh yếu, học sinh giỏi, và ôn thi tốt nghiệp. Nhà trường chịu trách nhiệm tổ chức, với hỗ trợ tùy theo điều kiện địa phương. Kết luận số 177 của Tổng Bí thư cũng chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức buổi học thứ hai miễn phí, bắt đầu từ năm học mới, đảm bảo giáo dục công lập không thu học phí từ người học.
Về băn khoăn của đại biểu Nguyễn Anh Trí liên quan đến “ngân sách bổ sung ngoài 20% chi cho giáo dục”, Luật Giáo dục quy định tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng hiện chi lương giáo viên chiếm khoảng 18%, nên tổng chi có thể vượt 20%. Nghị quyết ghi rõ nguồn bổ sung ngoài 20% để đảm bảo tính khả thi, như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về trẻ nhà trẻ, nghị quyết miễn học phí bao quát cả mầm non, gồm nhà trẻ và mẫu giáo, nhưng phổ cập chỉ áp dụng cho trẻ 3-5 tuổi.
“Chúng tôi tiếp thu các ý kiến còn lại và sẽ hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội. Bộ Giáo dục đang khẩn trương trình Thủ tướng Nghị định thay thế Nghị định 81 và 97, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025, để triển khai hiệu quả từ năm học mới”, Bộ trưởng cho biết.
Dương Công Chiến