Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tặng hoa chúc mừng Cục Thống kê nhân dịp kỷ niệm Ngày Thống kê Việt Nam và 79 năm Ngày thành lập ngành Thống kê (6/5/1946 - 6/5/2025).
Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, toàn Ngành đang nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, Cục Thống kê đã tham mưu hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê với khoảng 70 văn bản, tiêu biểu là Luật Thống kê, Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, Cục Thống kê đang thực hiện 5 đề án lớn, bao gồm: Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; Đề án Ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống Thống kê nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Xây dựng Cơ sở dữ liệu Thống kê quốc gia; Đề án Tư liệu hóa và chuyển đổi số trong Hệ thống Thống kê quốc gia; Đề án Nghiên cứu, thống kê, biên soạn số liệu GDP loại hình kinh tế tập thể.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nghe giới thiệu về một số ấn phẩm tiêu biểu của Cục Thống kê.
Hằng năm, Cục Thống kê thực hiện từ 21 - 23 cuộc điều tra thường xuyên; thực hiện 3 cuộc tổng điều tra gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế.
Bên cạnh đó, Cục Thống kê thực hiện biên soạn 124/230 chỉ tiêu thống kê quốc gia và nhiều chỉ tiêu thống kê theo ngành, lĩnh vực; trong đó, có một số chỉ tiêu rất quan trọng như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Tỷ lệ nghèo đa chiều…
"Ngành Thống kê đã từng bước chuyển đổi số trong quy trình sản xuất thông tin thống kê. Đến nay, hơn 90% số cuộc điều tra thống kê được đổi mới hình thức thu thập thông tin, từ phiếu giấy sang phiếu điều tra điện tử. Ngành cũng từng bước nghiên cứu sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để làm nguồn tham khảo, hoàn thiện phương pháp luận thống kê và biên soạn các chỉ tiêu thống kê. Hiện nay, ngành Thống kê đã nghiên cứu sử dụng dữ liệu lớn trong biên soạn CPI và bất động sản", Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tham quan Phòng truyền thống, nghe giới thiệu khái quát về quá trình 79 năm phát triển của ngành Thống kê.
Trong thời gian còn lại của năm 2025, Cục Thống kê xác định tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, sẽ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành 8 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 1 Luật; 2 nghị định của Chính phủ; 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 thông tư của Bộ trưởng. Tiếp tục đảm bảo thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tổ chức thực hiện thành công Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 và chuẩn bị cho Tổng điều tra kinh tế năm 2026.
“Cục Thống kê đề xuất cho phép xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa Cục Thống kê với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để có dữ liệu, thông tin đầu vào biên soạn các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Trung tâm Xử lý và Tích hợp dữ liệu thống kê hiện đại và tầm nhìn đến 2045; đầu tư hệ thống trợ lý ảo cho tất cả công chức, viên chức ngành Thống kê”, Cục trưởng Cục Thống kê nêu đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê báo cáo tại buổi làm việc.
Khái quát lại quá trình 79 năm phát triển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của ngành Thống kê với tiến trình phát triển của Đất nước: “Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ngành Thống kê đều có những đóng góp quan trọng, ghi đậm dấu ấn vào sự phát triển và những thành tựu to lớn của Đất nước thông qua việc thu thập, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê kinh tế - xã hội trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời từ Trung ương đến địa phương phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp”.
Cũng theo Bộ trưởng, 2025 là năm đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt, tạo nền tảng để Đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của Dân tộc, vai trò của ngành Thống kê ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thống kê, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Cục Thống kê; xây dựng phương án sắp xếp lại Chi cục Thống kê cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê; đẩy mạnh công tác phân tích, dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; xây dựng các “kịch bản” phát triển kinh tế - xã hội kịp thời, chuyên sâu; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
“Đặc biệt, trong năm 2025, Cục Thống kê có 2 nhiệm vụ quan trọng là cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 của Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội Đảng lần thứ XIV và cung cấp thông tin phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Thống kê phải chú trọng nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công tác thống kê. Tập trung nguồn lực, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; đồng bộ dữ liệu về Trung tâm Dữ liệu quốc gia để xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
“Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045, trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Minh Đức