Bộ trưởng Bộ Y tế: Triển khai chính sách miễn viện phí thông qua BHYT

Bộ trưởng Bộ Y tế: Triển khai chính sách miễn viện phí thông qua BHYT
10 giờ trướcBài gốc
Trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri nhiều địa phương có ý kiến gửi Bộ Y tế, mong muốn sớm có lộ trình thực hiện chủ trương miễn viện phí.
Chi phí khám chữa bệnh vẫn là gánh nặng
Cụ thể, cử tri tỉnh Lạng Sơn cho rằng trong bối cảnh đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, chi phí khám chữa bệnh vẫn là gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình.
Cử tri kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, nghiên cứu lộ trình tiến tới miễn viện phí toàn dân. Trước mắt, nên ưu tiên áp dụng cho người yếu thế, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tương tự, cử tri tỉnh Đồng Nai cũng nhận định mức chi phí khám chữa bệnh trực tiếp hiện nay vẫn ở mức cao, là rào cản lớn khiến không ít người dân, đặc biệt là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... phải trì hoãn hoặc từ chối tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.
Do đó, cử tri kiến nghị sớm thực hiện chính sách miễn viện phí toàn dân, đây cũng là yêu cầu cần thiết và hoàn toàn phù hợp với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau".
Đồng quan điểm, cử tri tỉnh Lâm Đồng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế nghiên cứu, sớm thực hiện giảm và hướng tới miễn phí khám, chữa bệnh toàn dân.
Theo cử tri, chi phí khám chữa bệnh vẫn là gánh nặng lớn đối với nhiều gia đình. Ảnh: TT
BHYT là cơ chế tài chính y tế chủ đạo
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chính sách miễn viện phí thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến sức khỏe nhân dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Bộ Y tế đang nghiên cứu các giải pháp khả thi, hiệu quả để trình Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
Để đảm bảo nguồn lực, chính sách sẽ được triển khai theo lộ trình thông qua BHYT với phạm vi quyền lợi BHYT mở rộng dần cho các đối tượng phù hợp.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là luôn đặt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là trên hết. Trước hết, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe...
Để thực hiện mục tiêu này, Luật BHYT đã được ban hành và không ngừng hoàn thiện, xác định BHYT là cơ chế tài chính y tế chủ đạo.
"BHYT là chính sách an sinh xã hội mang tính cộng đồng sâu sắc, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được thực hiện dựa trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia" - văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
Theo đó, quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh, người bệnh tham gia đồng chi trả một phần chi phí theo tỉ lệ phù hợp với từng nhóm.
Nguyên tắc đồng chi trả là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của người tham gia trong sử dụng dịch vụ y tế hợp lý, đồng thời bảo đảm sự bền vững của quỹ BHYT để phục vụ lợi ích lâu dài cho toàn dân.
Hiện nay, ngân sách nhà nước đang đảm bảo đóng BHYT cho người thuộc các nhóm ưu tiên (người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn...), hỗ trợ một phần mức đóng cho nhiều nhóm khác (người cận nghèo, học sinh, sinh viên...).
Khi tham gia BHYT, người dân được tiếp cận danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến trung ương.
Đề xuất nhiều giải pháp giảm gánh nặng tài chính cho người dân
Bộ Y tế đang tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp theo lộ trình nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người dân khi khám chữa bệnh. Cụ thể, Bộ đang hoàn thiện đề xuất trình Chính phủ và Quốc hội xem xét việc:
- Mở rộng nhóm đối tượng được ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT).
- Nâng mức hỗ trợ nhằm tăng tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân.
- Từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi, đưa các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc mới, hiệu quả vào danh mục chi trả, trên cơ sở cân đối quỹ BHYT.
Song song đó, Bộ Y tế cũng đang xây dựng chính sách giảm mức đồng chi trả cho một số bệnh hiểm nghèo, bệnh có chi phí điều trị lớn hoặc các nhóm yếu thế, hướng tới mục tiêu người dân khi khám chữa bệnh bằng BHYT tại một số tuyến sẽ không phải trả thêm chi phí trong phạm vi được hưởng.
Miễn viện phí toàn dân là chủ trương lớn, nhân văn
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 5-2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh miễn viện phí toàn dân là chủ trương lớn, nhân văn, có tác động tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Ước tính 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người, cần chi khoảng 25.000 tỉ đồng/năm.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20-30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh; tăng mức hưởng BHYT lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, đồng thời có lộ trình tăng dần mức hưởng đối với đối tượng đang hưởng 80%. Hiện tại có 3 mức hưởng gồm 80%, 95% và 100%.
Từ năm 2030-2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật BHYT, từng bước hoàn thiện chính sách để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
THANH THANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/bo-truong-bo-y-te-trien-khai-chinh-sach-mien-vien-phi-thong-qua-bhyt-post861720.html