Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Dẫn độ.
Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ
Trình bày tờ trình, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 21/11/2007, có hiệu lực kể từ 1/7/2008.
Qua hơn 16 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Do đó, theo Bộ trưởng Bộ Công an việc ban hành Luật Dẫn độ là hết sức cần thiết. Việc ban hành Luật Dẫn độ là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như lĩnh vực dẫn độ nói riêng.
Mục đích của việc xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ.
Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước của Việt Nam trong dẫn độ.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến dẫn độ với Việt Nam.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.
Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 4 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 1 điều so với Luật Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dẫn độ.
Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết dự thảo Luật bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.
Về hồ sơ yêu cầu dẫn độ, dự thảo Luật quy định hồ sơ được lập bằng văn bản; cách thức chuyển yêu cầu dẫn độ được thực hiện qua kênh ngoại giao hoặc Cơ quan Trung ương về dẫn độ.
Về quản lý Nhà nước về dẫn độ, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho hay, trách nhiệm quản lý Nhà nước về dẫn độ được quy định như sau: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về dẫn độ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về dẫn độ.
Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ về dẫn độ được quy định trong Luật này; phối hợp với Bộ Công an quản lý Nhà nước về dẫn độ.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các nhiệm vụ về dẫn độ được quy định trong Luật này; phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý Nhà nước về dẫn độ.
Về cơ quan của Việt Nam lập yêu cầu dẫn độ, Điều 18 của dự thảo Luật quy định cơ quan Trung ương về dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Về hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi đi nước ngoài, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết về cơ bản nội dung hồ sơ yêu cầu dẫn độ kế thừa các quy định của Điều 37 Luật Tương trợ tư pháp 2007 và bổ sung một số nội dung để phù hợp với tình hình mới, phù hợp với các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về các tài liệu kèm theo văn bản yêu cầu dẫn độ trong trường hợp dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án hình sự.
"Hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam phải đáp ứng điều kiện tương tự như hồ sơ yêu cầu dẫn độ của Việt Nam gửi đi nước ngoài", Bộ trưởng cho biết.
Về quyết định dẫn độ cho nước ngoài, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân khu vực ra một trong các quyết định: Quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ; Quyết định đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh mở phiên họp xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ...
Cần thiết xây dựng Luật
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết xây dựng Luật và cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, ngôn ngữ, chi phí thực hiện yêu cầu dẫn độ, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ, về từ chối dẫn độ cho nước ngoài…
Về dẫn độ có điều kiện, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này vì phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về dẫn độ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi những loại điều kiện mà Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ để tránh tùy nghi trong quá trình thực hiện.
Hoàng Thị Bích