Chiều 7-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân cả nước và được các đại biểu (ĐB) QH phát biểu, tranh luận sôi nổi.
Nêu ý kiến thảo luận, các ĐB đều cơ bản tán thành về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực. Bởi theo các ĐB, luật hiện hành thiếu rất nhiều nội dung đã và đang phát sinh trong thực tiễn nên cần có căn cứ pháp lý cụ thể quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện, phù hợp với xu hướng phát triển chung.
Theo hồ sơ trình QH, Chính phủ đề nghị QH xem xét, thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng nội dung sửa đổi của Luật Điện lực lần này rất lớn, sửa đổi toàn bộ nội dung luật, trong đó có những nội dung quan trọng như đầu tư, phát triển dự án điện lực, mua bán điện, hệ thống điện quốc gia… Các chính sách sửa đổi cũng đều là những nội dung mang tính dài hạn.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng với nội dung và khối lượng sửa đổi, bổ sung như vậy, nếu thông qua dự thảo luật tại một kỳ họp là quá gấp rút, việc xem xét, cho ý kiến hoàn thiện các quy định sẽ không được kỹ lưỡng…
ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh). Ảnh: PHẠM THẮNG
Đồng quan điểm, ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nói qua nghiên cứu, ông thấy còn quá nhiều nội dung cần thảo luận thật kỹ trước khi thông qua, tránh trường hợp luật được QH bấm nút thông qua nhưng khó tổ chức thực hiện.
Do vậy, ông Tuấn đề nghị QH cân nhắc thật kỹ theo hướng thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại hai kỳ họp. Theo đó, sẽ trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám vào tháng 10-2024 và thông qua tại kỳ họp thứ chín vào tháng 5-2025 hoặc nếu xác định luật này mang tính cấp thiết, đề nghị thông qua tại kỳ họp bất thường vào cuối năm 2024.
ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng nêu quan điểm phạm vi sửa đổi luật cần sửa toàn diện nhưng để sửa và thông qua trong một kỳ họp thì sợ rằng không bảo đảm chất lượng. Ông đề nghị cân nhắc sửa trong hai kỳ họp. “Chúng ta cũng không vội đến mức phải làm trong một kỳ họp” - ông Hạ nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình tại phiên thảo luận dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay Luật Điện lực được ban hành cách đây 20 năm, trải qua bốn lần sửa đổi. Tuy nhiên, bốn lần sửa đổi này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều theo kiểu “ăn đong” nên chỉ giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra khi đó.
Do vậy, đến giờ đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi luật một cách toàn diện. Chẳng hạn, theo xu thế chung và cam kết của Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050 thì năng lượng tái tạo và những nguồn năng lượng mới phải phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo hiện chưa có quy định cụ thể trong luật hiện hành.
“Nếu không có quy định thì điều đó... rất gay. Bằng chứng là chúng ta đã công bố Quy hoạch điện VIII hơn một năm nay nhưng đến giờ không có nhà đầu tư mới nào đề xuất dự án. Vì chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói…
Bộ trưởng cũng cho biết nhiều năm nay tổng công suất nguồn điện của chúng ta chỉ có 80 ngàn MW nhưng trong 5,5 năm nữa ta phải đạt tổng công suất các nguồn điện lên tới hơn 150 ngàn MW.
Nếu chúng ta không kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp thì chắc chắc không có nhà đầu tư vào. Khi không có nhà đầu tư vào thì ta không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Tiếp tục chia sẻ, tư lệnh ngành công thương cho hay các nội dung sửa đổi lần này đều là những vấn đề mà các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thậm chí cả điều tra đã chỉ ra chứ không phải Bộ Công Thương tự ý vạch ra.
“Phạm vi sửa luật lần này chỉ đề cập những vấn đề lớn, căn cốt mà nếu không có thì không thể giải quyết được... Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của ĐB để hoàn thiện dự thảo luật. Còn QH quyết thế nào thì chúng tôi chấp hành như thế nhưng nếu chậm một ngày thì chậm một năm đến nhiều năm để thu hút đầu tư” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
THANH NGUYỆT - PHÚ HIỀN