Chiều 28/4, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhắc lại tính cấp thiết sửa đổi Quy hoạch điện VIII là do một số nguồn điện lớn được xác định trong quy hoạch bị chậm tiến độ và nguy cơ làm đứt gãy nguồn cung năng lượng trong những năm tới. Trong khi, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số vào những năm tới, đòi hỏi tăng trưởng điện phải cao hơn nhiều hiện nay.
Hội nghị công bố điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Cấn Dũng.
Thúc tiến độ bằng kỷ luật thép
Vì lý do đó, ông Diên nhấn mạnh việc quan trọng hiện nay là phải tổ chức thực thi thế nào để biến quy hoạch này thành thực tế.
Ông Diên nói: "Chúng tôi đã tạo một khuôn khổ pháp lý rất năng động, thuận lợi cho các địa phương. Các địa phương có đủ thẩm quyền để triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh với những dự án công suất dưới 50MW và lưới điện 110kW trở xuống. Đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt các chủ trương đầu tư, lựa chọn các chủ đầu tư các dự án điện theo thẩm quyền, bố trí quỹ đất cho các công trình, dự án điện".
Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, tiến độ các dự án là yếu tố quyết định đến an ninh năng lượng quốc gia, nên phải áp "kỷ luật thép" để bảo đảm tiến độ các dự án và bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Điều này đòi hỏi các địa phương phải lựa chọn rất khéo léo nhằm chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực.
"Giai đoạn trước tôi thấy rất nhiều chủ đầu tư được chọn, nhưng chọn xong rồi chỉ chờ thời để lướt sóng, ăn chênh lệch. Trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII lần này, các địa phương, đơn vị cần phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ dự án, khi đưa vào quy hoạch khó mấy cũng phải làm, không thể gắn an ninh năng lượng quốc gia vào một vài chủ đầu tư không đảm bảo được yêu cầu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Chia sẻ với nhà đầu tư phải bỏ tiền tấn thu tiền lẻ
Trước thực tế này, ông Diên yêu cầu, giải quyết dứt điểm vướng mắc dự án năng lượng tái tạo, chủ động đề xuất thay thế dự án chậm tiến độ bằng dự án khác khả thi hơn, để đảm bảo cung ứng điện.
Đặc biệt, cần có cơ chế đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ tiêu dùng điện trong nước và xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cấn Dũng.
Để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn mỗi năm khoảng 16 - 18 tỷ USD từ nay đến 2035, sau đó còn cao tới 20 tỷ USD/năm, lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu ngành điện phải thay đổi về giá điện.
"Người ta bỏ tiền tấn để thu tiền lẻ thì chúng ta phải chia sẻ. Còn sau này khi dự án đi vào hoạt động ổn định rồi, nguồn thu đều đều thì chúng ta có thể điều chỉnh khung giá phù hợp theo yếu tố đầu vào", ông Diên nói và yêu cầu, mức khung giá lần đầu đưa ra làm sao phải phản ánh được thị trường, phải đủ hấp dẫn.
Ông cũng dẫn chứng câu chuyện các nhà đầu tư Nhật phản ánh, thậm chí có văn bản gửi Chính phủ về giá của điện sinh khối khi cho rằng, giá thấp không đủ thu hồi vốn trong chu kỳ của dự án năng lượng thông thường.
Điện sinh khối và điện rác không chỉ là phát triển điện sạch mà còn giải quyết vấn đề môi trường, do đó, theo ông Diên, tất cả các khung giá của các loại hình điện năng hiện nay dù vừa ban hành cũng phải rà soát để sao cho sát diễn biến thị trường theo hướng "nước lên thuyền lên".
Theo Quy hoạch VIII điều chỉnh, giai đoạn 2026-2030, nguồnđiện mặt trời cho kịch bản cơ sở và kịch bản cao tăng thêm lần lượt 29.787 MW và 56.800 MW so với hiện nay; điện gió tăng thêm 20.197 MW và 32.160 MW, chưa kể 6.000 MW điện gió ngoài khơi; nguồn điện sinh khối và rác tăng thêm 2.569 MW và 4.471 MW; pin lưu trữ đạt 10.000 MW và 16.270 MW, trong khi quy hoạch điện VIII chỉ có 300 MW…
Hồng Hạnh