Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần xây dựng Nghị quyết mới về công tác dân tộc

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần xây dựng Nghị quyết mới về công tác dân tộc
13 giờ trướcBài gốc
5 nội dung trọng tâm trong công tác dân tộc
Chiều 2/4, tại Hà Nội, Chủ tịch Y Thanh Hà Niê Kđăm và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc đầu tiên trong năm 2025 giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội với Bộ Dân tộc và Tôn giáo, bàn về những vấn đề trọng tâm trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Toàn cảnh buổi làm việc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận định, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc trước đây, Bộ Dân tộc và Tôn giáo bây giờ, đã phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động, nhất là tổ chức triển khai quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026, mang lại nhiều kết quả tích cực trong thực hiện công tác, chính sách dân tộc.
Năm 2025, năm bản lề chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030, cùng với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy các cơ quan quản lý về lĩnh vực dân tộc, nhiều yêu cầu mới cũng được đặt ra trong quá trình triển khai công tác công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất 5 nội dung cần tập trung thảo luận để có sự đồng thuận về hướng xử lý với tư duy, cách làm mới.
Một là khảo sát đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) giai đoạn 2021-2025, xác định những khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ để vận hành hiệu quả trong giai đoạn 2026-2030, làm rõ tính hiệu quả của Chương trình cũng như vai trò của chính quyền địa phương trong bối cảnh mới.
Hai là nghiên cứu trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay. Hội đồng Dân tộc đã kiến nghị đưa vào chương trình hành động năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo phối hợp triển khai hội thảo quốc gia về chính sách giáo dục và đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngay trong năm nay.
Ba là phân định miền núi, vùng cao, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Đây là nội dung quan trọng, làm cơ sở cho việc tổ chức lại hệ thống chính sách dân tộc.
Bốn là xác định thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam. Danh mục dân tộc Việt Nam do Tổng cục Thống kê ban hành 1979 đã lạc hậu về định danh, một số dân tộc được ghép cơ học dẫn đến nhiều dân tộc trùng lắp. Một số dân tộc có nguyện vọng được gọi đúng tên dân tộc mình.
Năm là nghiên cứu đề xuất định hướng xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc. Hiện khối lượng chính sách về dân tộc khá lớn, nhưng vẫn chưa có luật riêng tổng thể điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực dân tộc. Các chính sách dân tộc nằm rải rác, phân tán ở các luật chuyên ngành. Văn bản, chính sách dưới luật về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuy linh hoạt nhưng tính ổn định chưa cao, thiếu tính đồng bộ, khó thực hiện, chưa bảo đảm giải quyết toàn diện các vấn đề bất cập trong công tác dân tộc, chưa bảo đảm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp trong giai đoạn hiện nay.
Nghiên cứu xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 24
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Dân tộc và Tôn giáo là lĩnh vực chiến lược của đất nước, nhất là khi bước vào thời kỳ mới, đòi hỏi phát triển nhanh và bền vững hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Anh Dũng
Người đứng đầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo bày tỏ sự đồng tình với 5 nội dung trọng tâm mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội gợi ý.
“Cả 5 việc phải được triển khai đồng bộ, với tinh thần '6 rõ' như Thủ tướng nhiều lần đề cập: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền. Bộ Dân tộc và Tôn giáo sẽ xây dựng kế hoạch, phân nhóm làm việc, đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cử người cùng tham gia”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị cân nhắc việc nghiên cứu ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Thay vào đó, nên nghiên cứu xây dựng Nghị quyết mới về công tác dân tộc, thay thế Nghị quyết 24 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành từ năm 2003.
“Chúng ta nên tập trung nghiên cứu trình Ban Bí thư, Trung ương Đảng về việc tổng kết Nghị quyết 24 về công tác dân tộc, sau đó ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Định hướng sắp tới sẽ có khung chính sách đặc thù dành cho cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm góp phần tạo sự phát triển nhanh và bền vững hơn cho đất nước”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Thống nhất với gợi ý của Bộ trưởng, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phân tích: “Nghị quyết 24 có từ năm 2003, tới nay đã 22 năm rồi. Kết luận 65 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới được ban hành từ năm 2019, nhiều nội dung không còn phù hợp. Bởi vậy, cần đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình Trung ương ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 24”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng thống nhất cao với ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc “triển khai tổng kết Nghị quyết 24, ban hành Nghị quyết mới, tạo cơ sở chính trị để thực hiện công tác dân tộc trong giai đoạn mới”.
Chương trình đặc biệt thì phải có cơ chế đặc biệt
Về Chương trình 1719, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 4 sẽ diễn ra hội nghị toàn quốc tổng kết giai đoạn 1. Bộ Dân tộc và Tôn giáo dự kiến đề xuất một số nội dung trọng tâm giai đoạn II (2026-2030), chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền. Theo đó, giai đoạn tới sẽ chỉ tập trung vào một số nội dung như hạ tầng thiết yếu, đào tạo nghề, phát triển sinh kế… cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với những chỉ tiêu khó đạt, Bộ trưởng đề nghị phải áp dụng tư duy mới để gỡ vướng.
“Hiện không thiếu kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhưng nhiều địa phương kêu khó vì người dân không có sổ đỏ. Cứ chờ sổ đỏ thì 10 năm nữa cũng chưa chắc có. Hãy tư duy theo hướng 'chưa có tiền lệ thì lập ra tiền lệ'. Nếu người dân ở đó thời gian dài, không có tranh chấp thì cứ làm cho họ. Giao toàn quyền cho xã vì xã biết rõ người dân ở đó lâu chưa, có tranh chấp hay không”, Bộ trưởng nêu ví dụ.
Ông lưu ý “chương trình đặc biệt thì phải có cơ chế ứng xử đặc biệt. Đối tượng thụ hưởng là người đặc biệt khó khăn, không nên bắt họ phải đối ứng khi triển khai Chương trình 1719”.
Bình Minh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-can-xay-dung-nghi-quyet-moi-ve-cong-tac-dan-toc-2387293.html