Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ngành Dân tộc, Tôn giáo phải có tư duy mới, nhận thức mới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Ngành Dân tộc, Tôn giáo phải có tư duy mới, nhận thức mới
một ngày trướcBài gốc
Cần tư duy mới, nhận thức mới trong công tác quản lý nhà nước
Chiều 31/3, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác dân tộc và tôn giáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) giai đoạn 1: 2021 - 2025, đề xuất xây dựng nội dung Chương trình giai đoạn 2: 2026 - 2030.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Ảnh: Xuân Ngọc
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: Lĩnh vực Dân tộc, Tôn giáo rất đa dạng, phong phú, nhiều nội dung công việc sâu, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao, cách làm thận trọng.
Mục tiêu lớn nhất của toàn ngành là đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, không ngừng được nâng cao.
Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, cùng phát triển. Thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo đa chiều và bền vững.
Đảm bảo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, và không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Vận động đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước
Người đứng đầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo yêu cầu toàn ngành “không được tự ti, phải có tư duy mới, nhận thức mới trong công tác quản lý nhà nước, để cả hai lĩnh vực dân tộc và tôn giáo đều phát triển nhanh hơn, đúng định hướng hơn, tất cả vì người dân và phụng sự người dân”.
Động lực để phát triển bền vững và nhanh hơn
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác dân tộc và tôn giáo có vị trí chiến lược trong sự phát triển của tất cả các quốc gia. Đặc biệt, đối với một dân tộc có đa dân tộc, đa tôn giáo như Việt Nam thì công tác này lại càng quan trọng. Đây chính là một trong những động lực để phát triển bền vững và nhanh hơn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong thời gian tới như: Tập trung cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước thành các chính sách pháp luật; Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy từ trung ương đến cơ sở, đúng với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 18 (địa phương nào đủ tiêu chí thì phải thành lập sở dân tộc và tôn giáo; nâng cao chất lượng hoạt động của các sở, ban); Cần chủ động tham mưu, đề xuất nội dung quản lý nhà nước trên các lĩnh vực…
Riêng với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), Bộ trưởng lưu ý: “Chúng ta đạt 6/9 chỉ tiêu, dù chưa thực sự bền vững nhưng cũng rất đáng mừng, vì các địa phương thụ hưởng đều là những lõi nghèo của cả nước. Chương trình 1719 đã góp phần mang lại những kết quả đáng tự hào cho sự nghiệp giảm nghèo: Tỷ lệ đói nghèo cả nước từ 60-70% năm 1993 giảm xuống còn 1,93% năm 2024; tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 3-4%. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Chúng ta tự hào là nước được mời báo cáo điển hình về chống đói nghèo toàn cầu tại hội nghị G7, G20”.
Bên cạnh đó, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận 3 chỉ tiêu khó đạt gồm: Công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (phấn đấu 50% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn).
Về Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030, Bộ trưởng yêu cầu “không rải mành mành”, chỉ tập trung một số vấn đề như: sinh kế, hạ tầng, y tế, giáo dục…
Bộ tập trung làm các việc: Xây dựng chủ trương chính sách; Xây dựng mô hình điểm; Kiểm tra giám sát, tổng kết chương trình.
“Phải tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực cho địa phương. Không được bắt Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ phải làm thay việc của cơ sở. Không được để tái diễn tình trạng trình cấp cao nhất phê duyệt từng dự án cấp xã”, Bộ trưởng nghiêm khắc yêu cầu.
Một nội dung khác cũng được Bộ trưởng đặc biệt chú ý, đó là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong giai đoạn mới đặt mục tiêu “đến năm 2030 hoàn thiện 1 triệu căn nhà ở xã hội, xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát”.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã báo cáo Trung ương và Chính phủ mục tiêu “về đích” sớm hơn.
Theo đó, phấn đấu năm 2025 xóa cơ bản 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, gồm 100 nghìn căn nhà cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; 153 nghìn căn nhà bằng nguồn vốn xã hội hóa; và phần còn lại từ nguồn vốn của một số chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
“Chậm nhất nếu đến 31/12/2025 xóa được 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, thì chúng ta “về đích” trước 5 năm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 42. Đây là 1 kỳ tích, giúp nhiều người dân an cư lạc nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam không còn hộ nghèo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Khánh Hòa là một trong những địa phương triển khai hiệu quả Chương trình 1719. Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến cuối năm 2024, tỉnh đã giải ngân đạt 87,3%, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt mức. Còn thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số tại địa phương tăng gấp đôi so với năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 7,2%/năm.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc
Toàn bộ người dân đã được tiếp cận điện lưới quốc gia và nước sạch. Hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã chính thức thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Xuân Ngọc
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-nganh-dan-toc-ton-giao-phai-co-tu-duy-moi-2386692.html