Sáng nay (22/4), Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam.
Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và bà Silvia Danailov - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng
Bày tỏ lời chúc mừng tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trên cương vị mới, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam ôn lại kỷ niệm cùng Bộ trưởng tới thăm tỉnh Yên Bái sau cơn bão Yagi.
Bà khẳng định: “Ông thực sự là người tiên phong trong việc vận động chính sách về các vấn đề liên quan tới trẻ em”.
Bà Silvia Danailov cho biết trước kia, UNICEF đã tích cực hợp tác với Ủy ban Dân tộc trong lĩnh vực kiến tạo những bằng chứng và số liệu liên quan tới trẻ em, vận động chính sách liên quan đến trẻ em dân tộc, tạo sở cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719).
Bà Silvia Danailov đề xuất một số lĩnh vực muốn đẩy mạnh hợp tác với Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Ảnh: Lê Anh Dũng
5 đề xuất của UNICEF
Tại buổi làm việc lần này, bà Silvia Danailov đề xuất một số lĩnh vực mà UNICEF muốn đẩy mạnh hợp tác với Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Thứ nhất là liên quan việc kiến tạo bằng chứng, phân tích liên quan trẻ em.
Bà Silvia Danailov cho biết UNICEF đang hợp tác với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương xây dựng 2 tài liệu.
Một là tư liệu hóa thực tiễn của Việt Nam trong 40 năm đổi mới, đưa ra khuyến nghị chiến lược giúp cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong 5 năm tới cũng như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 14.
Hai là báo cáo phân tích đầu vào liên quan sự phát triển toàn diện của trẻ em, sẽ phục vụ cho Báo cáo Việt Nam 2045. Trong báo cáo sẽ nêu những khuyến nghị cụ thể, các khoảng trống đang phải giải quyết đối với trẻ em DTTS.
Thứ hai là vấn đề giáo dục kỹ năng số cho học sinh DTTS.
Theo bà Silvia Danailov, UNICEF đang cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy chuyển đổi số và giáo dục kỹ năng số cho học sinh DTTS. Mong muốn của UNICEF là không chỉ cải thiện khả năng tiếp cận đối với giáo dục số, chuyển đổi số đối với trẻ em DTTS, mà còn muốn làm rõ chương trình nghị sự nói chung về chuyển đổi số của Chính phủ sẽ giúp trẻ em DTTS hưởng lợi thế nào để có thể phát triển toàn diện.
Thứ ba, về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em DTTS.
UNICEF nhận định suy dinh dưỡng thể thấp còi là vấn đề nổi cộm của trẻ em DTTS tại Việt Nam, với tỷ lệ lên tới 32%. Bà Silvia Danailov bày tỏ mong muốn thời gian tới, Việt Nam sẽ có đầu tư, phân bổ ngân sách hợp lý cho dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt trong Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030.
Thứ tư là vấn đề giảm nghèo đa chiều cho trẻ em DTTS.
Thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành khá tốt công việc này, nhưng sắp tới có thể làm tốt hơn. UNICEF sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt của các quốc gia khác cho Việt Nam trong vấn đề giảm nghèo đa chiều cho trẻ em DTTS.
Thứ năm, hợp tác quốc tế thúc đẩy chương trình nghị sự cho đồng bào DTTS.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết UNICEF đã phối hợp các đối tác phát triển khác, thành lập tổ công tác liên quan tới vấn đề DTTS để hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chương trình nghị sự cho đồng bào DTTS. Bà mong muốn sẽ phối hợp tốt nhất với Bộ Dân tộc và Tôn giáo để hiện thực hóa những mong đợi trong lĩnh vực này.
Cần thay đổi tư duy, cách làm về chăm sóc trẻ em
Đánh giá cao những nhận xét, đề xuất, khuyến nghị của Trưởng đại diện UNICEF, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: “Tại Việt Nam, trẻ em luôn được dành những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mới, Việt Nam cũng phải đổi mới tư duy, nhận thức, cách làm về vấn đề chăm sóc trẻ em”.
Theo ông, cả nước hiện có khoảng 4,2 triệu trẻ em vùng miền núi và DTTS. Đây là nhóm đối tượng trẻ em thiệt thòi nhất, khó khăn nhất.
Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đề nghị UNICEF cùng thay đổi chiến lược tiếp cận trẻ em. Ảnh: Lê Anh Dũng
Bộ trưởng đề nghị UNICEF cùng thay đổi chiến lược tiếp cận trẻ em: “Thay vì tiếp cận toàn bộ cộng đồng trẻ em Việt Nam thì nên tập trung lựa chọn đối tượng trẻ em dân tộc và miền núi, địa bàn vùng sâu vùng xa, còn nhiều khó khăn”.
Bộ trưởng cho rằng nếu hoạt động hợp tác, phối hợp giữa Việt Nam và UNICEF tập trung vào một số địa bàn, đối tượng, nội dung công việc cấp thiết nhất thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Chia sẻ thêm thông tin, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết 5 năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi căn bản trong 2 lĩnh vực giáo dục và y tế.
Về giáo dục, Việt Nam sẽ lập đề án quy mô toàn quốc về xây dựng hệ thống trường nội trú cho các tỉnh. Cách tiếp cận sẽ đi theo hướng ngược từ biên giới, vùng sâu, vùng xa lên đô thị.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo được Thủ tướng giao cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương xây dựng đề án kiên cố hóa các trường nội trú cũng như nơi ở cho giáo viên.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, trẻ em DTTS sẽ được học văn hóa vào buổi sáng, còn buổi chiều học ngoại ngữ và các môn năng khiếu, nghệ thuật… để phát triển toàn diện. Trẻ em DTTS không chỉ được miễn phí tiền học mà hướng tới sẽ còn được miễn cả tiền ăn.
Về y tế, mọi người dân đều được thăm khám sức khỏe, tiến tới có thể miễn phí khám chữa bệnh.
Đề xuất ký kết phối hợp 5 năm tới giữa Bộ Dân tộc và Tôn giáo với UNICEF
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất Bộ Dân tộc và Tôn giáo và UNICEF ký kết phối hợp trong 5 năm tới nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em - một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm UNICEF hoạt động tại Việt Nam.
Bộ trưởng mong UNICEF sẽ đánh giá lại kết quả Chương trình 1719 thời gian qua một cách độc lập, khách quan và đúng sự thật; có khảo sát chính thức, đánh giá toàn diện về trẻ em DTTS để làm căn cứ xác lập cơ chế, chính sách phù hợp hơn.
Trong hoạch định chính sách thời gian tới, một trong những vấn đề ưu tiên là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ và dạy trẻ em DTTS biết tiếng mẹ đẻ (trên 30% trẻ em DTTS hiện nay không biết tiếng của chính dân tộc mình)...
Đồng tình quan điểm cho rằng trong giai đoạn 2016-2030 cần có chương trình riêng về giảm nghèo đa chiều cho trẻ em, song Bộ trưởng lưu ý “phải nêu rõ tiêu chí giảm nghèo đa chiều cho trẻ em, mục tiêu, thành phần, nguồn lực… thì mới có thể thuyết phục được khi trình Quốc hội”.
Cũng theo Bộ trưởng, Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030 sẽ không dàn trải 10 dự án như trước mà chỉ tập trung một số vấn đề lớn như: hạ tầng, sinh kế, chuyển đổi số, thông tin, những nội dung dành riêng cho DTTS rất ít người (nhóm khó khăn đặc thù).
“Tôi muốn trong Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030 có ít nhất 1 tiểu dự án về giảm nghèo đa chiều cho trẻ em, đặc biệt trẻ em DTTS và miền núi. Rất mong UNICEF phối hợp đánh giá độc lập, đề xuất ý tưởng, chương trình nội dung công việc cụ thể cho chương trình” - Bộ trưởng bày tỏ.
Cảm ơn Bộ trưởng đã tin tưởng, đề xuất UNICEF đánh giá độc lập để đưa ra khuyến nghị thiết thực cho 5 năm tới, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết sẵn sàng hợp tác với Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các chương trình, dự án.
Bà cũng thống nhất cao với khuyến nghị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc thời gian tới, UNICEF sẽ tập trung hướng tới nhóm đối tượng còn “ở lại phía sau”, là những trẻ em thiệt thòi, đặc biệt là trẻ em DTTS.
Ngay từ cuối năm 1975, UNICEF là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, trước khi Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc (năm 1997).
Bình Minh