Thu hoạch vải thiều ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, vụ thu hoạch vải có tính chất mùa vụ rất cao, thời gian rất ngắn, chỉ từ 1 - 2 tháng và sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là quả vải tươi. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã rất chủ động cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể từ sớm, đặc biệt là các hoạt động trong chính vụ như thu hoạch, bảo quản, chế biến và đặc biệt là tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân các hoạt động kết nối trong tiêu thụ quả vải, kể cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Bộ cũng duy trì các đầu mối để cung cấp thông tin cũng như đường dây nóng để cung cấp kịp thời thông tin về thị trường và các thông tin cần thiết liên quan cho doanh nghiệp và người dân để chủ động trong thu hoạch cũng như tiêu thụ các sản phẩm vải.
Qua khảo sát tại vùng vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy rất phấn khởi khi nông dân, doanh nghiệp với sự chỉ đạo và hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tạo ra vùng sản xuất gắn với mã số vùng trồng, gắn với kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để đủ điều kiện xuất khẩu ra những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Bộ trưởng mong muốn phát triển sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Điều này vừa làm giảm giá thành, vừa giúp nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh cũng như là thuận lợi trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Một số nơi phải đến mùa vụ thu hoạch mới hình thành các chuỗi liên kết nên mối liên kết chưa tạo sự bền vững. Nếu ngay từ khâu bắt đầu sản xuất có sự liên kết chặt chẽ từ việc ký hợp đồng tương lai với các bên nhập khẩu cũng như giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở chế biến, đóng gói thì liên kết sẽ ngày càng chặt chẽ; đồng thời, rủi ro càng giảm xuống”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ông Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ, định hướng Bắc Giang triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiến tiến trong chỉ đạo, dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh, tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong sản xuất vải thiều. Các viện, trường nghiên cứu chọn tạo các giống vải yêu cầu ít khắt khe về nhiệt độ thấp để ứng phó với biến đổi khí hậu; các giống vải có năng suất, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống vải của tỉnh.
Bộ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sau thu hoạch; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, chế biến, tiêu thụ…; hoàn thiện các điều kiện chiến xạ theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ…
Ông Nguyễn Việt Oanh cũng mong muốn Bộ trưởng có thêm kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng nhà nước có chính sách vay vốn ưu đãi hơn để nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp để góp phần giúp Bắc Giang duy trì được tăng trưởng ở mức hai con số.
Bắc Giang có 29.700 ha vải thiều; trong đó vải sớm 8.000 ha, chiếm 27% diện tích, còn lại là vải chính vụ. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 16.000 ha, GlobalGAP có 204 ha, hữu cơ 10 ha. Năm nay, sản lượng vải thiều ước đạt trên 165.000 tấn, vải sớm dự kiến bắt đầu thu hoạch từ 20/5 đến ngày 15/6 và vải chính thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 20/7.
Bắc Giang có 240 mã số vùng trồng với trên 17.400 ha để xuất khẩu sang: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan, Nhật Bản…; 40 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đảm bảo điều kiện phục vụ xuất khẩu.
Để xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2025, tỉnh ban hành kế hoạch nhằm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia thương mại; kết nối với các doanh nghiệp lớn để thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh làm việc với các tập đoàn và doanh nghiệp, hệ thống siêu thị như: Tập đoàn Central Retail, Công ty TNHH Mova Plus (châu Âu), Công ty Dragonberry Produce (Mỹ), Công ty TNHH Mega Market để đưa vải thiều vào hệ thống phân phối, xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Bắc Giang cũng tổ chức Hội nghị ký kết hợp tác tiêu thụ vải thiều 2025 với nhiều đối tác trong và ngoài nước; thành lập đoàn công tác xúc tiến tiêu thụ tại Quảng Tây, Trung Quốc; chuẩn bị tham dự các hội chợ quốc tế. Đồng thời, là chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, Tuần lễ vải thiều tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hội chợ thương mại xuất nhập khẩu Trung Quốc – ASEAN, sự kiện tại châu Âu...
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang, dự báo thời tiết bất lợi, sâu bệnh gây hại cuối vụ, ảnh hưởng đến chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Ngành hướng dẫn nông dân tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đúng độ chín, đảm bảo thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, giám sát vùng trồng và đóng gói theo yêu cầu xuất khẩu.
Ngành hợp tác với các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada...) để mở gian hàng vải thiều trực tuyến; phối hợp đơn vị vận chuyển lớn đảm bảo đóng gói, giao hàng nhanh chóng, chất lượng.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Vụ vải thiều 2025 được đánh giá là được mùa, sản lượng dự kiến đạt 303.000 tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2024. Sản lượng tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả và sinh vật gây hại được kiểm soát tốt.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, Cục và các đơn vị chuyên môn đã có chỉ đạo từ đầu vụ để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giám sát dư lượng, kim loại nặng trên quả vải.
Từ nay đến cuối vụ, nông dân cần tập trung theo dõi và xử lý sâu đục cuống vải; theo dõi thời tiết, có biện pháp xử lý ngay nếu nắng nóng kéo dài vào thời gian chuẩn bị thu hoạch và thu hoạch. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát các vùng trồng vải để hướng dẫn ứng phó với các tình huống bất thường, bảo vệ thành công năng suất, chất lượng.
Bích Hồng (TTXVN)