Chiều 24/5, Hội nghị "Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững" được tổ chức nhằm tổng kết tình hình sản xuất, xuất khẩu; đồng thời đánh giá các thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển ổn định, hiệu quả cho ngành sầu riêng trong dài hạn.
Tăng tốc xuất khẩu nhưng tiềm ẩn rủi ro
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, trong chưa đầy một thập kỷ, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô diện tích và sản lượng.
Sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc vào tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 3 tỷ USD, đưa sầu riêng vào nhóm mặt hàng nông sản chiến lược của quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy.
Tuy nhiên, sự phát triển và tăng trưởng "nóng" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu thiếu định hướng và công cụ quản lý đồng bộ. Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành hàng sầu riêng đã đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng cả về quy mô và giá trị xuất khẩu. Điều này đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 của ngành nông nghiệp và môi trường, ảnh hưởng giá trị gia tăng và lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.
Việc sụt giảm quy mô và kim ngạch xuất khẩu thời gian qua là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân đối giữa tăng trưởng sản xuất và năng lực tổ chức sản xuất, giữa yêu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu với khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước, nhất là về chất lượng.
"Nếu không kịp thời có những giải pháp quản lý căn cơ, bài bàn, đồng bộ, chúng ta sẽ phải đối mặt với vòng xoáy tiêu cực dư thừa sản lượng - giá sụt giảm - mất thị trường - và nghiêm trọng hơn cả là suy giảm niềm tin của khách hàng và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành trái cây xuất khẩu", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Để ứng phó, Bộ trưởng Bộ NN&MT đề nghị toàn ngành cần tập trung làm rõ nguyên nhân của tình trạng phát triển nóng, nhận diện các rủi ro liên quan đến vùng trồng, chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Trong bối cảnh các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, đang siết chặt kiểm tra và yêu cầu minh bạch hóa chuỗi cung ứng, việc nâng cao năng lực kiểm nghiệm, kiểm dịch và truy xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói là cấp thiết, đóng vai trò then chốt để duy trì thị phần xuất khẩu.
"Việt Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn, mở rộng thị trường tiêu thụ, đầu tư vào chế biến sâu và dần đưa sầu riêng trở thành thương hiệu quốc gia", Bộ trưởng Bộ NN&MT nói.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiên Văn - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đưa ra kiến nghị về việc xây dựng đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, lấy Đắk Lắk làm điểm.
"Ngành sầu riêng hiện còn nhiều bất cập như tỉ lệ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ", ông Văn nói.
Ông Nguyễn Thiên Văn - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, sản phẩm phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở chế biến thô, chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Một số vi phạm về an toàn thực phẩm và gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã ảnh hưởng đáng kể đến thương hiệu.
Từ thực tiễn đó, ông đề xuất cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy chuẩn và quy trình cho các loại trái cây xuất khẩu, đặc biệt là sầu riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế…
Cải thiện chuỗi cung ứng sầu riêng
Tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV – cho biết, năm 2025, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, song sản lượng và kim ngạch đều sụt giảm mạnh, lần lượt tới 71,3% và 74%. Thị phần cũng giảm từ 42,1% xuống 28,2%.
"Ngành hàng sầu riêng đang đối mặt nhiều thách thức khi phát triển quá nóng, trong khi yêu cầu kỹ thuật từ thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe", ông Đạt nói.
Để khắc phục, Việt Nam đã triển khai các giải pháp như kiểm soát cadmium trong canh tác, quản lý vật tư nông nghiệp, rà soát mã số vùng trồng, làm việc với Hải quan Trung Quốc để gỡ vướng trong xuất khẩu.
Để khắc phục, Việt Nam đã triển khai các giải pháp như kiểm soát cadmium trong canh tác, quản lý vật tư nông nghiệp, rà soát mã số vùng trồng, làm việc với Hải quan Trung Quốc để gỡ vướng trong xuất khẩu.
Ông Đạt nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt là hoàn thiện pháp lý, nâng năng lực kiểm nghiệm và xúc tiến thương mại. Về lâu dài, phải cơ cấu lại ngành theo hướng tăng chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực thực thi của doanh nghiệp lẫn địa phương.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Phi Hổ - đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita) kiến nghị các cơ quan quản lý cần cập nhật thông tin, hướng dẫn đầy đủ, đặc biệt tại tỉnh Đắk Lắk, địa phương có diện tích sầu riêng lớn, để đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Phi Hổ - đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên.
Đồng thời, cần có biện pháp kiểm soát các cơ sở đóng gói, tránh để xảy ra tình trạng hàng không đủ điều kiện vẫn được xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành.
Theo ông Hổ, ngành sầu riêng đang được nhìn nhận chủ yếu ở góc độ xuất khẩu, nhưng bản chất phải đặt trách nhiệm với người tiêu dùng lên hàng đầu, kể cả với người tiêu dùng trong nước. "Nếu hàng bị trả từ biên giới rồi lại bán cho dân mình thì không thể gọi là tôn trọng người tiêu dùng", đại diện Sarita nói.
Bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với Thái Lan, đặc biệt là về điều kiện tự nhiên cũng như kỹ thuật canh tác, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch của nông dân, công nhân.
Tuy nhiên, để phát huy được những lợi thế đó, cần có sự quản lý đồng bộ và hiệu quả hơn từ cả chính quyền các cấp lẫn cộng đồng doanh nghiệp.Theo bà Vy, việc cải thiện chuỗi cung ứng sầu riêng đòi hỏi các vùng nguyên liệu phải được hướng dẫn kỹ lưỡng và kiểm soát chặt chẽ hơn trong quá trình sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động loại bỏ hoàn toàn các chất cấm như vàng O trong quá trình chế biến, đồng thời tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu sạch, an toàn.Sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và cơ quan quản lý là yếu tố then chốt để xây dựng chuỗi giá trị sầu riêng bền vững, qua đó ngăn chặn các sự cố vi phạm tiêu chuẩn như đã từng xảy ra.
“Ngành sầu riêng Việt Nam cần được xây dựng thành thương hiệu quốc gia để người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và tin tưởng hơn. Đồng thời, cần thúc đẩy hợp tác liên ngành trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm bảo quản phù hợp nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao trong tương lai”, bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.
Nguyễn Phương Anh