Chiều 15/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Rất nhiều việc phải làm trong năm 2025
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu tăng trưởng năm 2025, Trung ương xác định phải quyết tâm tăng trưởng cao, phát triển nhanh nhưng kinh tế vĩ mô phải ổn định, đảm bảo cân đối vĩ mô ổn định.
Ông Dũng phân tích các điều kiện thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế trong năm 2025. Theo đó, việc tăng trưởng trên 8% năm 2025 dù khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ nhận được sự đồng thuận, quyết tâm rất cao của Trung ương, địa phương và toàn xã hội.
"Đây là vấn đề rất quan trọng bởi chỉ có quyết tâm, chúng ta mới có thành tích tốt", ông Dũng nói.
Thứ hai, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng niềm tin nhà đầu tư, người dân đã được tăng cường củng cố lên rất cao. Tỉ lệ doanh nghiệp thành lập, quay trở lại và thu hút FDI đang lớn dần.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội chiều 15/2 (Ảnh: Media Quốc hội).
Thứ ba, theo ông Dũng, nhiều điểm nghẽn, vướng mắc của các dự án lâu nay cũng đã được tháo gỡ. Nhiều dự án hạ tầng chiến lược được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác đẩy nhanh năng lực phát triển, các FTAs mới mở ra cho không gian thương mại phát triển.
Tuy nhiên, về thách thức hiện vẫn còn rất nhiều, Tư lệnh ngành KH&ĐT cho rằng: Thế giới đang rất phức tạp, đặc biệt là chính sách của Mỹ, đã đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương mại toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài vòng tác động đó.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, Chính phủ đã lường trước được những vấn đề bất thường, bất định có khả năng xảy ra nếu cuộc chiến thương mại mới xảy ra nên đã sớm chỉ đạo các bộ, ngành sớm chủ động các phương án ứng phó.
"Nền kinh tế chúng ta vẫn có những rào cản, các dự án tồn đọng, ách tắc, nguồn lực chậm được tháo gỡ. Bên cạnh đó, các vấn đề nội tại như nền tảng khoa học công nghệ chậm được đổi mới, năng suất lao động rất khó chuyển biến trong ngày một ngày hai, thiên tai dịch bệnh, già hóa dân số là thách thức lớn cần giải pháp tháo gỡ", Bộ trưởng Dũng nêu.
Theo ông Dũng, thời gian còn lại của chúng ta không nhiều, trong khi rất nhiều việc phải làm trong năm 2025. Tuy nhiên, theo ông Dũng, động lực nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hiện có nhiều.
Đó là thế và lực của chúng ta đang ngày càng lớn mạnh. Việt Nam có sự ủng hộ, hỗ trợ khu vực, quốc tế rất lớn; các điểm nghẽn đang được sửa đổi, hoàn thiện…
Các địa phương phải tăng trưởng đúng chỉ tiêu được giao
Về giải pháp, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hàng loạt giải pháp góp phần tăng trưởng 8%, trong đó nhấn mạnh đến các động lực tăng trưởng mới như: công nghệ, kinh tế xanh, kinh tế số, thị trường xuất khẩu mới và các kênh tăng trưởng, phát triển mới kinh tế số, thương mại điện tử, du lịch, logistics…
Ông Dũng gợi mở kinh tế Việt Nam cần tận dụng được sự dịch chuyển dòng đầu tư thương mại thế giới, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, táo tạo không gian phát triển.
"Ngay sau khi Quốc hội thông qua đề án này, Chính phủ sẽ tổ chức ngay hội nghị với tất cả địa phương, mỗi một địa phương phải tăng trưởng đúng chỉ tiêu được giao", ông Dũng nêu rõ.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 15/2 (Ảnh: Media Quốc hội).
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để ban hành một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân, gồm hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.
Về dài hạn, theo Bộ trưởng, tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp phân quyền triệt để hơn; thực hiện tốt Nghị quyết 57, phát huy nhân lực chất lượng cao, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Trước Quốc hội, người đứng đầu ngành kế hoạch - đầu tư mong đại biểu giám sát ngay ở địa phương việc thực hiện Nghị quyết 25, giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp FDI, tư nhân… để cùng thực hiện thì mới hoàn thành được mục tiêu phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ tin tưởng với những gì đã và đang làm, sẽ đạt được mục tiêu GDP năm nay trên 8%.
Nguyễn Thu Huyền