Ngày 4/12, theo thông tin từ Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024, vào 20h ngày 10/12 tới đây, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024 sẽ được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn, Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt được giao phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- Agribank trực tiếp tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (tác giả Xích Lô), cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm vùng sâm Nam núi Dành (Bắc Giang).
Theo Ban Tổ chức giải, điểm mới của giải năm nay so với năm đầu tiên, đó là ngoài việc tổ chức nhận bài dự thi đối với tác phẩm báo in và báo điện tử, còn mở rộng thêm hạng mục truyền hình và phát thanh trên tất cả các báo, đài, tạp chí…
Do đó, chỉ sau một thời gian ngắn phát động (từ tháng 7/2024), Ban Tổ chức đã nhận được 1.950 tác phẩm hợp lệ thuộc các thể loại báo chí từ hơn 200 cơ quan báo chí trung ương và các địa phương gửi về tham dự giải. Trong đó, báo in có 450 tác phẩm, báo điện tử 900 tác phẩm, truyền hình có 350 tác phẩm, phát thanh/podcast có 250 tác phẩm. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C, 10 giải khuyến khích và 20 giải chuyên đề.
Đáng chú ý, trong tổng số 42 tác phẩm đoạt giải, có tác phẩm mang tiêu đề "Cái bắt tay với nông dân" của tác giả Xích Lô (Hà Nội). Đây là bài viết của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thường tham gia viết báo, với bút danh và "nickname" trên mạng xã hội là "Xích Lô".
Trong bài viết "Bắt tay để đi xa hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập về mối liên kết "4 nhà" và đặc biệt nhấn mạnh quan hệ giữa doanh nhân và nông dân bởi theo ông "nông dân đảm nhận khâu sản xuất, gọi là đầu vào; doanh nghiệp đảm nhận thu mua bảo quản, chế biến, phân phối, xuất khẩu, gọi là đầu ra. Đầu vào và đầu ra quan hệ mật thiết với nhau, cộng sinh với nhau, không liền lạc thì ngành hàng mong manh. Không có đầu vào thì không thể có đầu ra, có đầu vào mà thiếu đầu ra sẽ ùn ứ".
CL