Sáng 30/3, theo đề nghị của Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2025, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có cuộc họp khẩn để bàn về công tác khắc phục hậu quả trận động đất xảy ra tại Myanmar và Thái Lan.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước thành viên ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Timor Leste, Tổng thư ký ASEAN và Giám đốc điều hành Trung tâm điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo (Trung tâm AHA).
Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự hội nghị.
Cuộc họp khẩn được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Ban Thư ký ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan và Myanmar thông tin về tình hình thiệt hại sau trận động đất. Tại Myanmar, tính tới sáng nay có tới 1.644 người thiệt mạng, hàng trăm tòa nhà, cơ sở hạ tầng bị đổ sập hoặc hư hại, trong đó có nhiều bệnh viện, công trình hạ tầng, tòa nhà văn phòng… Ngay trụ sở Bộ Ngoại giao Myanmar ở Nay Pyi Taw cũng bị hư hại và mất an toàn, buộc cán bộ phải chuyển ra làm việc ở ngoài trời.
Ngày 29/3, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về viện trợ nhân đạo cho Myanmar sau trận động đất kinh hoàng và sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực phục hồi.
Cảm thông và chia buồn sâu sắc với Myanmar và Thái Lan, các nước ASEAN khẳng định mạnh mẽ tình đoàn kết, cam kết sát cánh với Myanmar và Thái Lan. Một số nước ASEAN thông báo kế hoạch gửi viện trợ và các đội cứu hộ sang Myanmar tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.
Trong khuôn khổ ASEAN, các nước nhất trí cần phát huy hiệu quả các cơ chế ứng phó khẩn cấp trong ASEAN, nhất là vai trò của Trung tâm AHA và Tổng thư ký ASEAN, cũng như huy động thêm nguồn lực và viện trợ từ cộng đồng quốc tế.
ASEAN đã ngay lập tức triển khai nhiều cơ chế, biện pháp hỗ trợ ban đầu, trong đó có việc kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp, cử đội chuyên gia tới Myanmar và sẵn sàng các mặt hàng viện trợ thiết yếu.
Nhiều nước ASEAN lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar ngừng các hành động bạo lực, tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ, qua đó tạo cơ sở tiến tới đối thoại và hòa giải để tập trung cho công cuộc phục hồi và tái thiết đất nước.
Nhà cửa bị thiệt hại sau trận động đất. Ảnh: UNICEF
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chuyển lời chia buồn sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tới Thái Lan và Myanmar, khẳng định Việt Nam sẽ sát cánh cùng hai nước để vượt qua những khó khăn hiện nay.
Trước mắt, Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị viện trợ cho Myanmar nhiều hàng hóa, vật tư thiết yếu, triển khai hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an sang Myanmar tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Với ASEAN, Thứ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần khẳng định vai trò trung tâm trong điều phối các nỗ lực đặc biệt khi có khó khăn, thách thức. Theo đó, ASEAN cần phát huy và tận dụng hiệu quả các cơ chế, công cụ sẵn có, nhất là Trung tâm AHA và Tổng thư ký ASEAN. ASEAN cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Myanmar để xây dựng kế hoạch phục hồi và tái thiết về lâu dài.
Thứ trưởng cũng kêu gọi các bên ở Myanmar cùng có trách nhiệm trong việc bảo đảm công tác viện trợ nhân đạo diễn ra an toàn, không bị cản trở và đến được với mọi người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đây cũng có thể là cơ hội để các bên ở Myanmar cùng chấm dứt mọi hành động bạo lực, gác lại bất đồng, qua đó chung tay tham gia công tác cứu trợ, hướng tới công cuộc phục hồi và tái thiết đất nước, mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho nhân dân Myanmar.
Hôm nay, đoàn cứu hộ Bộ Quốc phòng với 80 cán bộ, chiến sĩ và đoàn cứu hộ Bộ Công an với 25 cán bộ, chiến sĩ đã lên đường sang Myanmar.
Đoàn cứu hộ Bộ Quốc phòng gồm: Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật với 30 người; Đội Công binh cứu sập thuộc Binh chủng Công binh với 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng có 9 người và 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan gồm 11 người. Tổng chỉ huy lực lượng là Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn.
Đoàn công tác cứu hộ của Bộ Công an do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH làm trưởng đoàn; 2 cán bộ đối ngoại và phiên dịch, 1 bác sỹ, 22 cán bộ chiến sĩ cùng 2 chó nghiệp vụ và các phương tiện, dụng cụ phục vụ cứu hộ.
Trần Thường