Chiều ngày 23/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự Hội nghị còn có lãnh đạo, đại diện các Bộ, Ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Tiếp thu những phát biểu, chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cảm ơn những chỉ đạo sâu sắc của Phó Thủ tướng và cho biết, ngành Công Thương sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, nhân dân giao phó.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương trong năm 2025
6 nổi bật toàn diện trên mọi mặt của ngành Công Thương
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã cơ bản hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Hội nghị vui mừng được Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, Tập đoàn doanh nghiệp và một số đơn vị chức năng thuộc Bộ. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều cơ bản nhất trí với Báo cáo tổng kết của Bộ và thống nhất nhận định:
Năm 2024, kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ những biến động địa chính trị, địa kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại của đất nước; đặc biệt siêu bão số 3 và cơn bão số 4 đã gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng đối với hệ thống hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Cùng với cả nước, ngành Công Thương cũng đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Nổi bật:
Thứ nhất, đã tập trung cao, tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; điển hình là việc tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Điện lực; Luật Khoáng sản, ban hành các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, phát triển điện mặt trời áp mái tự sản xuất, tự tiêu dùng; thông qua chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cho các dự án điện năng lượng tái tạo, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước để có thể phát triển bứt phá và bền vững ngành năng lượng và công nghiệp, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng và ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp
Thứ hai, các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho sản xuất, không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và phụ tải điện tăng đột biến.
Thứ ba, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, đạt mức tăng ngoạn mục (trên 8,0%) so với năm trước, vượt kế hoạch được giao và cao hơn nhiều mức tăng của các năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10%, cao gấp hơn 3 lần mức tăng của năm 2023, khẳng định vai trò trụ cột quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ tư, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (khoảng 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước, vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu gần 25 tỷ USD, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Thứ năm, thị trường trong nước duy trì tăng trưởng ở mức cao, giá cả cơ bản ổn định; thương mại điện tử duy trì đà phát triển 02 con số (trên 20%), quy mô thị trường TMĐT Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước và thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Thứ sáu, công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm “xa lộ” hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam. Phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực; xử lý thành công hầu hết vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại của các đối tác, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ngành Công Thương cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để nghiêm túc khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn
Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế yếu kém và vấn đề đặt ra cho Ngành là cần phải tập trung giải quyết. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có cả khách quan và chủ quan.
Trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là, trước hết, tinh thần chủ động trách nhiệm trong tham mưu, tính quyết liệt trong tổ chức thực hiện và kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, ý thức chấp hành của một số đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa tốt;
Cùng đó, sự phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ có lúc, có việc còn hạn chế;
Chưa kể, công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa thường xuyên sâu sát, kịp thời; năng lực, trình độ của một bộ phận công chức, viên chức và tính tiền phong gương mẫu của một số lãnh đạo đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa cao.
"Đây chính là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua. Chúng ta cần thẳng thắn, nhìn nhận, nghiêm túc khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
6 giải pháp để ngành Công Thương phát triển đột phá trong kỷ nguyên vươn mình
Về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, các đại biểu đã cùng thống nhất nhận định: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và của Ngành; là năm toàn ngành Công Thương quyết tâm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này; đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo dư địa, động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước. Trước mắt, khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII) và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Trong năm 2025, ngành Công Thương tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng thể chế; xác định đây là nhiệm vụ “đột phá của đột phá”, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại
Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng thể chế; xác định đây là nhiệm vụ “đột phá của đột phá”, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Trước mắt, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) và các Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách về phát triển Công nghiệp, nhất là các ngành Công nghiệp nền tảng; các loại hình năng lượng mới; xây dựng quy định về khung giá các loại hình điện năng, giá điện 2 thành phần, giá điện theo giờ và các dự thảo Nghị định về cơ chế phát triển các dự án điện khí thiên nhiên và điện gió ngoài khơi, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển thị trường điện cạnh tranh; khẩn trương triển khai rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm và Luật Quản lý thương mại điện tử để trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp tới. Chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho áp dụng đại trà sau thí điểm ở một số địa phương về một số cơ chế, chính sách có tính đột phá phù hợp để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển của Ngành.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…).
Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu; đồng thời, chú trọng thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác tiềm năng, tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Năm là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân, còn nhiều tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nội địa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Sáu là, về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Liên quan đến công tác tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là việc khó, nhưng không thể không làm, không thể làm chậm trễ hơn
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo hoàn thành xây dựng Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ; theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị, giảm 05 đơn vị, tương ứng 17,8%; trong đó, đặc biệt là việc đề xuất kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ.
Bộ trưởng nhấn mạnh một lần nữa, đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn, do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trong này, tôi đề nghị cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, toàn lực lượng cần chú trọng làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ (nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành và trong từng cơ quan, đơn vị; xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học) nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị; tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, các đơn vị phải bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao; đồng thời, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn phụ trách.
Tại hội nghị hôm nay, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị Lãnh đạo UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo và khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án, sẵn sàng tiếp nhận nguyên trạng (gồm cả nhân lực, tài sản, các dự án đầu tư chuyển tiếp) của các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý sau khi có Quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền. Việc này cần thực hiện rất khẩn trương theo đúng tiến độ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để mô hình mới của lực lượng Quản lý thị trường sớm đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm duy trì thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn quản lý, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hóa sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát thị trường bị buông lỏng.
Đặc biệt, cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được Bộ Công Thương ban hành, bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết.
Về những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương xin ghi nhận và giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp, tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết kịp thời theo thẩm quyền (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định).
Riêng kiến nghị của đại diện Cục Quản lý thị trường địa phương về mô hình tổ chức bộ máy và chế độ chính sách đối với Cán bộ Quản lý thị trường (sau chuyển giao từ Bộ về địa phương), kính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, phản ánh với Ban chỉ đạo Chính phủ để xem xét, xử lý phù hợp với tình hình mới.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương đã thành công tốt đẹp
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương đã thành công tốt đẹp. Sau Hội nghị này, Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Ngành trong năm tới và tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng nhân dịp này, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, các Tổ chức quốc tế và nhân dân cả nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, đồng hành và ủng hộ, giúp đỡ ngành Công Thương trong những năm qua; chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, để ngành Công Thương có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Nhóm Phóng viên