Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ Quản lý thị trường khi chuyển đổi mô hình

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ Quản lý thị trường khi chuyển đổi mô hình
4 giờ trướcBài gốc
Một trong những vấn đề lớn dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là việc sắp xếp, tinh gọn các bộ, ngành theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết, Bộ Công Thương dự kiến tinh gọn 18% bộ máy hoạt động.
Theo đó, kết thúc hoạt động của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, lập Đảng bộ Bộ Công Thương trực thuộc Đảng bộ Chính phủ theo yêu cầu và kế hoạch của Bộ Chính trị. Kết thúc hoạt động của Văn phòng Ban cán sự đảng, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Đảng bộ Bộ Công Thương. Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu, tổ chức các bộ phận thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường. Thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước; chuyển 63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố và kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Hợp nhất Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực thành Cục Điện lực; hợp nhất Cục Công Thương địa phương, Vụ Tiết kiệm và Phát triển bền vững, Vụ Khoa học và Công nghệ thành Cục Công nghệ, Chuyển đổi xanh và Đổi mới sáng tạo; hợp nhất Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ và Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thành Vụ Thị trường nước ngoài.
Đổi tên Vụ Kế hoạch-Tài chính thành Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp; chuyển chức năng tổng hợp tình hình phát triển công nghiệp và thương mại địa phương của Cục Công Thương địa phương về Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp...
Dù ở mô hình hoạt động nào thì nền tảng pháp lý để tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường vẫn là Pháp lệnh Quản lý thị trường ban hành năm 2016. Ảnh: Khánh An
Liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn các bộ máy hoạt động của Bộ Công Thương, người đứng đầu Bộ Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, "sau sắp xếp, kiện toàn, bộ máy mới của Bộ sẽ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân, doanh nghiệp...".
Đáng chú ý, liên quan đến việc kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường, thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ bàn giao nguyên trạng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý.
Ở Trung ương, nhằm xây dựng lực lượng quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tình hình mới, Bộ Công Thương xây dựng đơn vị mới có chức năng quản lý Nhà nước về quản lý thị trường để giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; về chế độ, chính sách đối với công chức của lực lượng quản lý thị trường và chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng quản lý thị trường trên cả nước về nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.
Đồng thời, thành lập đơn vị nghiệp vụ trực thuộc đơn vị trên để trực tiếp kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng ở Trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để chủ động kiểm tra, xử lý những vụ việc lớn, có tính chất liên vùng, liên địa bàn nhất là gian lận thương mại trên môi trường Internet.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dù ở mô hình hoạt động nào thì nền tảng pháp lý để tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường vẫn là Pháp lệnh Quản lý thị trường ban hành năm 2016 với tiêu chí xuyên suốt: Lực lượng quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chắc chắn rằng, sự thay đổi cơ chế vận hành sắp tới, không làm thay đổi tính chất, chức năng nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Pháp lệnh Quản lý thị trường được Quốc hội thông qua ngày 8/3/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016. Sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường và Nghị định số 78/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 148.
Triển khai từ năm 2016 đến nay, Pháp lệnh Quản lý thị trường đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xây dựng lực lượng Quản lý thị trường ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác Quản lý thị trường. Đồng thời, từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của người dân và Chính phủ đối với lực lượng.
Khánh An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-giu-nguyen-chuc-nang-nhiem-vu-quan-ly-thi-truong-khi-chuyen-doi-mo-hinh-371940.html