Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ cố gắng thực hiện sớm nhất việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn trạm sạc xe điện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ cố gắng thực hiện sớm nhất việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn trạm sạc xe điện
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đồng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Cấn Dũng
Trạm sạc xe điện tại Việt Nam gia tăng đáng kể theo từng năm
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng trạm sạc điện đầy đủ với công nghệ sạc nhanh, đáng tin cậy và tiện lợi sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy giao thông vận tải thân thiện với môi trường và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện hoàn chỉnh bao gồm cơ sở hạ tầng điện, cơ sở hạ tầng điều khiển và liên lạc, cổng sạc và giắc cắm đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau.
Hai Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi tại buổi họp. Ảnh: Cấn Dũng
Trên thế giới có 3 thị trường xe điện đang phát triển rất mạnh mẽ là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu. Cùng với đó, ngành công nghiệp sạc điện bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các trạm sạc điện, dịch vụ thu phí sạc điện và các dịch vụ khác đang tăng lên nhanh chóng và phát triển theo hai mô hình cơ bản, bao gồm các công ty sản xuất ô tô tự xây dựng trạm sạc riêng của hãng; các công ty chuyên về trạm sạc đầu tư xây dựng.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất, lắp ráp ô tô điện như Vinfast với xe điện chạy pin (BEV), Hyundai Thành Công với xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid (HEV), Thaco với xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV), TMT với xe điện chạy pin cỡ nhỏ (mini-BEV).
Năm 2023, tổng cộng 15.676 xe BEV và 5.220 xe HEV/PHEV được tiêu thụ tại việt Nam, bao gồm15.486 xe BEV và 1.243 xe HEV/PHEV sản xuất, lắp ráp trong nước; 190 xe BEV và 3.977 xe HEV/PHEVnhập khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng cộng 17.536 xe BEV được tiêu thụ tại Việt nam, bao gồm 17.482 xe sản xuất, lắp ráp trong nước và 54 xe nhập khẩu. Đồng thời, Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp 231 xe và nhập khẩu 2.190 xe HEV/PHEV.
Với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường cung cấp các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện giao thông điện, đặc biệt là trạm sạc điện cho xe ô tô điện tại Việt Nam. Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là hệ thống của VinFast, được đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu dọc cao tốc, quốc lộ.
Ngoài VinFast, các công ty cung cấp trạm sạc xe điện tại Việt Nam đang chia thành một số nhóm phát triển trạm sạc. Đầu tiên là trạm sạc chính hãng. Nhóm này chủ yếu là trạm sạc tại đại lý và bán sạc tại nhà cho khách hàng sở hữu xe. Nhóm trạm sạc công cộng có thể kể đến EV One, EverCharge. Tiếp đến là nhóm cung cấp sạc tại nhà, công ty như EverEV, GreenCharge, Star Charge, Autel… Mặc dù số lượng trạm sạc điện đang gia tăng đáng kể theo từng năm, cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam.
Bộ Công Thương xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện đối với tiêu chuẩn trạm sạc xe điện
Theo Cục trưởng Phạm Nguyên Hùng về lĩnh vực năng lượng điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, cụ thể:
Theo Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, được sửa đổi, bổ sung, trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với trạm sạc cho xe điện nằm trong lĩnh vực năng lượng điện. Cụ thể như An toàn kỹ thuật công nghiệp (an toàn các thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng, an toàn đối với thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp); an toàn điện trong quản lý, vận hành trang thiết bị điện; khai thác mỏ và dầu khí (trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí trên biển); an toàn trong sản xuất cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, hóa chất (bao gồm cả hóa dược); an toàn, vệ sinh lao động (trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động).
Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Cấn Dũng
Như vậy, đối với lĩnh vực năng lượng điện theo quy định tại Nghị định số 78/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong lĩnh vực năng lượng điện nêu trên, trong đó không bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe điện, trạm sạc điện cho xe điện và hạ tầng cung cấp điện cho xe điện.
Thực hiện theo thẩm quyền, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện; Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/4/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Thông tư số 39/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện. Bộ Công Thương đã hoàn thành trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện theo đúng phân công của Chính phủ.
Liên quan đến Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về xe điện do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, theo văn bản số 5049/BKHCN-TĐC ngày 29/12/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc báo cáo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về xe điện trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 58 TCVN liên quan đến xe điện và hệ thống liên quan, bao gồm: 41 TCVN về an toàn, đo vận tốc, tiêu thụ năng lượng, phát thải, hệ thống pin/ắc quy trên xe điện; 04 TCVN về dây cáp sạc xe điện; 08 TCVN về Hệ thống sạc xe điện (quy định yêu cầu chung, tương thích điện từ, truyền thông giữa trạm sạc và xe điện, yêu cầu an toàn đối với hệ thống lắp trạm sạc, cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp khu vực sạc xe điện); 05 TCVN về Thiết bị đo điện.
Các tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn tương đương tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và quy định của Ủy ban Châu Âu (EC/ECE/EU).
Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập các Ban kỹ thuât Tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến hoạt động xây dựng tiêu chuẩn xe điện gồm: Ban kỹ thuật TCVN/TC22 Phương tiện giao thông đường bộ; TCVN/TC/E17 Thiết kế kỹ thuật các hệ thống điện trong các công trình xây dựng; Ban kỹ thuật TCVN/TC/E16 Hệ thống truyền năng lượng cho xe điện.
Thành viên của các Ban kỹ thuật đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (trong nước, nước ngoài), hiệp hội, trường đại học, chuyên gia… có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực xe điện. Các Ban kỹ thuật được thành lập, hoạt động theo mô hình, tổ chức, hoạt động của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), tuân thủ nguyên tắc, thông lệ quốc tế trong xây dựng tiêu chuẩn.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc thì sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống các trạm sạc cả nước.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Cấn Dũng
"Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm. Tháng 4/2024 Bộ Khoa học và công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung 'thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện" - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Kỹ thuật quốc gia năm 2024, Bộ đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm điện, sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh.
Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống trạm xạc xe điện, trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam chưa có quy chuẩn Việt Nam đối với hệ thống trạm sạc xe điện.
Cần ban hành sớm việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về trụ/thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện, đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Tiếp theo kiến nghị tại các văn bản số 8353/BCT-KHCN ngày 26/12/2022, số 6178/BCT-KHCN ngày 07/9/2023, số 446/BCT-KHCN ngày 19/01/2024, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải xây dựng, ban hành các Tiêu chuẩn quốc gia/Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hạ tầng cung cấp điện cho xe điện; yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với Trụ/Thiết bị sạc điện cho xe điện để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong công tác quản lý Trụ/Thiết bị sạc điện, đồng thời đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, theo báo cáo của Ủy Ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chất lượng, các tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện đã được ban hành. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và công nghệ sẽ có báo cáo về các tiêu chuẩn này.
"Các quy chuẩn của Việt Nam về các trạm sạc điện, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thực hiện nhiệm vụ này và có sự phối hợp với Bộ Công Thương. Hiện nay, các thông số kỹ thuật liên quan đến quy chuẩn này đã có trong tiêu chuẩn”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật trạm sạc xe điện theo quy trình rút gọn. Còn nội dung khác liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương thì Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng phối hợp.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, phát triển xe điện là xu hướng chủ đạo trên thế giới và Việt Nam không đứng ngoài xu hướng này. Để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, chúng ta cần tiếp cận trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi xe sử dụng điện thay thế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Cấn Dũng
Về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến xe điện, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã và đang hoàn thiện những phần cơ bản. Nhưng hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho trạm sạc điện, đặc biệt là quy hoạch, xác định vị trí địa điểm để xây dựng những trụ sạc điện. Cùng với đó, chưa có quy chuẩn về an toàn điện, loại hình năng lượng cung cấp cho các trạm sạc. Trong khi đó, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho xe điện và trạm xe điện không chỉ phục hoạt động quản lý nhà nước mà còn góp phần định hướng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xe điện.
Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và thống nhất những ý kiến trong buổi họp hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 3 nhiệm vụ quan trọng.
Một là, sau ngày 20/9, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cùng hoàn thiện biên bản cuộc họp, thống nhất trách nhiệm Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đáng chú ý, không chỉ hai Bộ đã đề cập đến nội dung này mà cần phải nói thêm trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, chính quyền các địa phương trong việc xây dựng quy chuẩn về trạm sạc xe điện. Chính điều này là yếu tố để trình Thủ tướng Chính phủ phân nhiệm vụ cho các đơn vị theo cách rõ người, rõ việc. Theo đó, việc trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về xây dựng quy chuẩn trạm sạc xe điện sẽ cố gắng thực hiện ngay trong tuần này.
Hai là, về phía Bộ Công Thương, cần khẩn trương, nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch Điện lực Quốc gia trong giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, nếu xu hướng sử dụng xe điện tăng cao thì lượng tiêu thụ điện sẽ rất lớn. Trong khi đó, quy hoạch mới chỉ tính về lượng tiêu thụ điện cho sản xuất, tiêu dùng nhưng mảng sử dụng xe điện chưa được đề cập tới.
Ba là, Bộ Công Thương cần nghiên cứu và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống điện và phương án cung cấp điện cho trạm sạc trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng thông tin rằng việc xây dựng quychuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc điện để các hãng xe trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam. Đồng thời, việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, các Bộ có liên quan sẽ phối hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dự kiến, sẽ có dự thảo vào cuối tháng 9 về quy chuẩn, tiêu chuẩn trạm sạc xe điện sau khi tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch xây dựng ở tất cả tòa nhà, khu dân cư, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc. Chính quyền địa phương cũng cần rà soát, bổ sung các địa điểm có thể xây dựng được trạm sạc xe điện, quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi lấy ý kiến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, để có thể ban hành sớm nhất.
Nhóm phóng viên
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-hong-dien-se-co-gang-thuc-hien-som-nhat-viec-xay-dung-quy-chuan-tieu-chuan-tram-sac-xe-dien-347144.html