Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cựu giáo chức có đóng góp đa dạng, tích cực, quan trọng với sự phát triển giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cựu giáo chức có đóng góp đa dạng, tích cực, quan trọng với sự phát triển giáo dục
3 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu dự Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 và kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Ảnh: MOET
Sáng ngày 27/11, tại Hà Nội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 và kỷ niệm 20 năm thành lập Hội.
Sự kiện có sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hiển - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo một số Bộ, ngành, Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo Hội Cựu giáo chức Việt Nam và các cựu giáo chức tiêu biểu đại diện cho hơn 600 nghìn hội viên cựu giáo chức cả nước.
Hội Cựu giáo chức Việt Nam đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo
Bày tỏ niềm vui được tham dự Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029 và Kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới những kết quả Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã đạt được trong suốt 20 năm, đặc biệt là nhiệm kỳ 5 năm vừa qua.
Đồng thời chúc Hội tiếp tục tập hợp ngày càng đông đảo hội viên, hoạt động ngày càng sôi nổi, hiệu quả, đem lại nhiều niềm vui và sự gắn bó cho các thành viên và góp phần vào sự phát triển của ngành Giáo dục nói chung trong thời gian tới.
Được thành lập từ năm 2004, với chức năng chính là tập hợp, động viên các cựu giáo chức tiếp tục tham gia, phát huy kinh nghiệm đóng góp cho sự phát triển của ngành Giáo dục. Nhìn nhận về những kết quả sau 20 năm phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: Hội đã có nhiều đóng góp đa dạng, tích cực, quan trọng đối với sự phát triển của ngành Giáo dục.
Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục đã qua quá trình đổi mới hơn 10 năm, đã đạt nhiều kết quả quan trọng ở tất cả mọi phương diện. Có được các kết quả đó là nhờ nỗ lực của cả nước, từ trung ương tới địa phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành giáo dục, trong đó có sự đóng góp của các cựu giáo chức, của Hội Cựu giáo chức cả nước.
Thời gian qua, Hội đã có những hoạt động đặc trưng, phong phú và đa dạng trên nhiều mặt, nổi bật là xây dựng các phong trào thi đua, nêu gương nhà giáo, giáo dục truyền thống nhà giáo và ngành giáo dục Việt Nam; tham gia hoạt động khoa học, tổ chức hội thảo góp ý nhận xét, đánh giá chương trình và sách giáo khoa phổ thông; tham gia các hoạt động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; là lực lượng nòng cốt trong Hội khuyến học, giảng dạy tại các trung tâm học tập cộng đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng hiện chính sách đối với cựu giáo chức; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo đã nghỉ hưu.
Hội đã tập hợp kinh nghiệm, trí tuệ của nhà giáo về hưu tham gia đóng góp điều tra khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo sau 10 năm thực hiện; tổ chức các hội thảo đóng góp giải pháp thích ứng, sáng tạo giáo dục sau Covid-19; tích cực đóng góp trong quá trình xây dựng các Luật như Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi một số Điều của Luật Giáo dục đại học...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Đại hội. Ảnh: MOET
"Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng biểu dương và kính cẩn ghi nhận những kết quả mà Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua", Bộ trưởng nói.
Chia sẻ với các cựu giáo chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: ngành Giáo dục đã xác định và nhấn mạnh quan điểm nhà giáo là lực lượng quyết định đến thành công và sự phát triển giáo dục, chất lượng giáo dục. Bởi vậy, phát triển lực lượng nhà giáo được xem là giải pháp của các giải pháp, là đột phá của mọi đột phá để phát triển giáo dục.
Sự ghi nhận đóng góp, sự quan tâm tới các cựu giáo chức vừa là đạo lý, là tình cảm, vừa là quan điểm và nhận thức về đường lối xây dựng và phát triển lực lượng nhà giáo. Ngành Giáo dục đang phát triển một nền giáo dục phát triển người học một cách toàn diện, chăm lo tới giáo dục đạo đức nhân cách cho người học. Do vậy, các thầy cô đang công tác cần nêu gương và tạo chuẩn mực cho học trò. Các thầy cô đang công tác trước hết cần kính trọng thầy cô của mình, coi đó là thái độ và hành vi mang tính giáo dục.
"Cái gì mình kỳ vọng và mong thế hệ sau đối tốt với mình thì trước hết cần đem tinh thần đó đối xử với thế hệ trước, những bậc thầy của mình. Vì vậy, quan tâm, chăm lo, phát huy lực lượng cựu giáo chức là hoạt động giáo dục của chính ngành giáo dục. Tôi mong rằng, từ cấp bộ, tới cấp sở, cấp phòng, các cơ sở giáo dục, các cấp đều cần lưu tâm tới công tác chăm lo và phát huy lực lượng cựu giáo chức. Đây cũng là một chỉ dấu cho đặc trưng tốt đẹp của ngành giáo dục và về chất lượng đội ngũ nhà giáo đang công tác.
Về chiều ngược lại, cũng mong các quý thầy cô cựu giáo chức luôn thường trực tinh thần vị tha, bao dung, quan tâm, cũng hỷ xả cho đôi lúc, đôi khi, chỗ này chỗ kia... các học trò và thế hệ sau chưa quan tâm, động viên kịp thời tới các quý thầy cô, bởi cuộc sống đôi khi với tất cả tính hiện thực của nó, là rất bận rộn và dễ sơ suất…", Bộ trưởng bày tỏ.
Nghiên cứu có thêm chính sách để cựu giáo chức tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục
Cho rằng, ít có ngành nào mà người trong ngành, các nhà giáo yêu nghề, tự hào về nghề và gắn bó với nghề như nghề dạy học; do đó các nhà giáo dù đã nghỉ hưu cũng rất gắn bó với ngành, với Hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội về Luật nhà giáo "có việc học tập suốt đời thì cũng có việc dạy học suốt đời" và khẳng định, các thầy cựu giáo chức là kho tàng kiến thức phong phú, sự đúc rút kinh nghiệm sư phạm cả đời, đó là vốn quý, đó là tài sản lớn của ngành.
"Về bản chất thì làm nghề dạy học không có đương có cựu. Vì khi các quý thầy cô đã nghỉ hưu, ngừng dạy để nghỉ ngơi, học trò vẫn gọi là thầy cô với nguyên vẹn ý nghĩa. Vì vậy, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét có thêm các chính sách để các thầy cô cựu giáo chức có thể tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục tùy theo tình hình sức khỏe và sự lựa chọn cá nhân của mình. Ngay trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất tuổi nghỉ hưu cao hơn với một số nhóm đối tượng nhà giáo", Bộ trưởng cho hay.
Trước sự thay đổi ngày càng lớn của giáo dục hiện nay so với giáo dục truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các cựu giáo chức tích cực tìm hiểu về những cái mới trong giáo dục, để cập nhật, để tăng sự thấu hiểu, sự chia sẻ; mong muốn trong nhiệm vụ chính và quan trọng của lãnh đạo Hội cựu giáo chức thời gian tới sẽ có việc cung cấp thông tin, trao đổi thông tin, tìm hiểu, cập nhật và tập hợp, giải đáp ý kiến, truyền đạt ý kiến góp ý và thắc mắc về Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý giáo dục.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các cựu giáo chức tích cực tham gia vào việc xây dựng xã hội học tập, nòng cốt trong phong trào khuyến học, là những tấm gương cho việc học tập suốt đời. "Mong gần 1 triệu cựu giáo chức, một lực lượng rất lớn phát huy tinh thần "học không biết chán, dạy người không biết mỏi" phát huy phù hợp với sức khỏe, điều kiện và môi trường. Không phải cứ tới trường, lên lớp, trực tiếp dạy học trò mới là làm giáo dục. Hoạt động giáo dục cần ở khắp nơi, mọi lúc, mọi đối tượng. Đây cũng là hoạt động mà số đông quý thầy cô cựu giáo chức có thể tham gia. Tôi cũng đề nghị Hội nhiệm kỳ tới coi đây là trọng tâm của hoạt động, bởi vì rất phù hợp và phát huy được các quý thầy cô", Bộ trưởng chia sẻ.
Nhấn mạnh từ khóa "vui", Bộ trưởng mong muốn trong một nhiệm kỳ mới, các thầy cô cựu giáo chức sẽ "vui", qua vui để tập hợp, động viên nhau, qua cái vui gắn bó với nghề và làm những việc khác. Trong việc tổ chức các hoạt động của Hội, đặc biệt là ở các cơ sở, cần ưu tiên cho các hoạt động thăm hỏi, quan tâm tới sức khỏe cả thể chất và tinh thần của các thành viên, quan tâm tới đời sống, sinh hoạt, chia sẻ... giữa các thành viên.
Chia sẻ mong muốn các cựu giáo chức chủ động tham gia mạng xã hội và hệ thống thông tin hiện đại, để có thông tin và chủ động lan tỏa các thông tin tích cực lên mạng xã hội, Bộ trưởng cũng mong các quý thầy cô cũng lưu tâm tìm hiểu và hưởng ứng cho phong trào "bình dân học vụ số", xóa "mù số" mà ngành sẽ triển khai trong thời gian tới đây.
Với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn sẽ tiếp tục quan tâm tới việc góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành; quan tâm tới các hoạt động để hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngành Giáo dục Việt Nam vào năm 2025 tới.
Từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Hội Cựu giáo chức Việt Nam trong phạm vi điều kiện cho phép; thường xuyên trao đổi, lắng nghe ý kiến từ phía Hội, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong công tác, tranh thủ trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm toàn bộ Hội Cựu giáo chức trong cả nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam khóa V
Hội Cựu giáo chức Việt Nam hiện có hơn 600 nghìn hội viên. Hội đã được tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành phố, gần 98% số quận, huyện, 75% số xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Trong nhiệm kỳ IV (2019-2024), Hội Cựu giáo chức cả nước đã kiên trì, quyết tâm và có nhiều giải pháp tích cực, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu đề ra. Toàn Hội đã chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, giải quyết các chế độ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đem lại kết quả cụ thể, thiết thực.
Bằng nhiều hoạt động phong phú, tích cực, có hiệu quả, Hội Cựu giáo chức đã phát huy được trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đã nghỉ hưu có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Giáo dục và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; từ đó nâng cao vị thế của Hội Cựu giáo dục trong toàn xã hội.
Với khẩu hiệu hành động "Đoàn kết - trí tuệ - nêu gương - tình thương - trách nhiệm", trong nhiệm kỳ V (2024-2029), Hội Cựu giáo chức Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển Hội ngày càng vững mạnh; tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, trong đó sẽ tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ mới, Hội Cựu giáo chức Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa tiềm năng trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của cựu giáo chức để có những đóng góp tích cực, cụ thể vào hoạt động giáo dục tại địa phương; đóng góp tích cực với ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Tại Đại hội, Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội, lãnh đạo chủ chốt Trung ương Hội; trong đó nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý được bầu là Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhiệm kỳ V (2024-2029).
Thiên Ân
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-cuu-giao-chuc-co-dong-gop-da-dang-tich-cuc-quan-trong-voi-su-phat-trien-giao-duc-179241127132632804.htm