Hôm nay 20-11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn buổi sáng để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
“Đã hết thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”
Góp ý cho dự thảo luật, đề cập đến những việc không được làm, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu dự thảo luật quy định nhà giáo không được “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật”.
Đại biểu cho hay nội dung này còn nhiều ý kiến tranh luận. Dư luận xã hội có 2 luồng ý kiến: Cấm và quản lý. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ KH&ĐT ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn việc này.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai). Ảnh: PHẠM THẮNG
“Thực chất, học thêm là nhu cầu cần thiết của xã hội. Chúng ta không thể không quản lý được thì cấm”- ông Khánh nói.
Nêu thực tế có trường hợp công nhân tăng ca, 8-9h tối mới về nên phải gửi gắm con cho các thầy cô đưa về nhà quản lý, ĐB đề nghị cần có cơ chế để bảo vệ họ.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) đồng tình với đại biểu Khánh về việc dạy thêm, học thêm.
Nữ ĐB cho rằng cần nhìn nhận thấu đáo về dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp, bởi thực tế dạy thêm là nhu cầu có thực của giáo viên.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận). Ảnh: PHẠM THẮNG
“Học thêm cũng là nhu cầu có thực của học sinh, nhất là ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được các gia đình đầu tư học tập”- bà Thủy nói và cho rằng không chỉ các cháu học tập chưa tốt mới học thêm mà học sinh có năng lực học tập tốt cũng có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao thêm kiến thức, nhất là các cháu có nguyện vọng thi vào trường chuyên, đại học top đầu.
Từ đó, ĐB đánh giá những ý kiến cho rằng tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên đã giải quyết vấn đề dạy thêm là “còn chủ quan và chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống”.
Bà Thủy cũng cho hay chất lượng đầu vào ngành sư phạm ngày càng tăng, mức độ cạnh tranh vào ngành sư phạm cũng rất khốc liệt.
“Những mùa tuyển sinh gần đây, đã hết cái thời chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm. Đầu vào ngành sư phạm thời gian qua ngày càng tốt hơn”- vẫn lời bà Thủy.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đầu ra còn vấn đề, nên phải có chính sách để thầy cô giáo sống được bằng nghề, theo được đam mê nghề nghiệp, từ đó sẽ ngày càng thu hút được nhân tài.
Không cấm việc dạy thêm, học thêm
Trao đổi về một số nội dung cụ thể cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc tới những ý kiến góp ý để bảo đảm lương nhà giáo được xếp cao nhất.
“Khi xây dựng Luật này, chúng tôi cũng phải nhìn các ngành khác chứ không muốn ngành của mình có những đặc quyền, đặc lợi hay có gì đó ưu ái bất thường. Nhà giáo vốn dĩ là những con người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, không thể nào mình sống sung sướng mà bên cạnh, những người khác nghèo hơn mình. Nhà giáo không chấp nhận điều đó đâu”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: PHẠM THẮNG
Tuy nhiên, ông nêu thực tế còn một phần rất lớn trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn ở mức chưa đủ sống. “Mà chưa đủ sống thì không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học được”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông, đối với một đất nước vừa mới thoát nghèo, chưa phải là một nước giàu, khi cần phải ưu tiên thì chắc chắn không thể ‘dàn hàng ngang’ ưu tiên cho tất cả mọi điều được. Do vậy, giáo dục được xem là một đột phá chiến lược, là ‘quốc sách hàng đầu’ thì nhất thiết phải có một vài sự ưu tiên.
“Luật chỉ quy định một vài nguyên tắc, còn cụ thể, lương như thế nào để bảo đảm mức sống tối thiểu cho nhà giáo thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể, như nguyên tắc làm luật chúng ta đang đề cập”- ông Sơn nói.
Với việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định chủ trương không cấm việc dạy thêm, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức nhà giáo cũng như vi phạm nguyên tắc về chuyên môn. Cụ thể là cấm hành vi ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng với Luật Nhà giáo, chúng ta phải chấp nhận việc có một vài điểm quy định khác các luật khác, nếu như quy định tại các luật đó không thuận cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ông dẫn chứng độ tuổi nghỉ hưu sẽ là quy định khác với Bộ luật Lao động, hay một giáo viên là viên chức làm việc cho hơn 1 cơ sở sẽ là điểm khác so với quy định tại Luật Viên chức.
“Một số quy định xét thấy thực sự khác, nhưng phục vụ cho mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo thì mong rằng chúng ta chấp nhận việc này. Cái gì cản trở cho sự phát triển, dẫu là khác nhưng cái khác đó đem lại điều tốt lành thì chúng ta sẵn sàng chấp nhận một số điểm khác biệt”- vẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
“Hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất”
Ở vị trí điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục, cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc”- bà Thanh nói.
Chia sẻ cuối phiên họp, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói ngày 20-11 năm nay, niềm hạnh phúc của các nhà giáo nhân lên rất nhiều vì đúng thời điểm này, Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo.
Theo Bộ trưởng, chưa nói tới nội dung, chỉ riêng việc Chính phủ, Quốc hội đồng ý việc xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Nhà giáo đã là sự ghi nhận, động viên rất to lớn đối với nhà giáo.
“Rất cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp, chọn ngày hôm nay để thảo luận về dự án Luật này. Nhiều người hạnh phúc, nhưng chắc hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất trên thế gian này”- Bộ trưởng chia sẻ.
NHÓM PHÓNG VIÊN