Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Khoa học công nghệ hưng thịnh, quốc gia mới hưng thịnh

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Khoa học công nghệ hưng thịnh, quốc gia mới hưng thịnh
12 giờ trướcBài gốc
Động lực chính đưa Việt Nam trở thành nước phát triển
Chiều 16/5, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra chương trình “Ngày hội khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5” năm 2025.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan khu vực triển lãm giới thiệu các sản phẩm và công trình khoa học và công nghệ tiêu biểu
Sự kiện có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ cao, nhà sáng chế, cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước.
Chủ đề năm nay - “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng” thể hiện quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và toàn ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) về vai trò cốt lõi của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hành trình phát triển đất nước.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Chúng ta khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”.
Khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
"Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm, tôn vinh và đặc biệt là cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước" - Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết 57 đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Những đổi mới mạnh mẽ, mang tính "cách mạng"
Người đứng đầu ngành KH&CN cho hay, chúng ta đang sửa Luật KH&CN thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện
Chia sẻ những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng của Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Thứ nhất, khoa học công nghệ (KHCN) là nền của một quốc gia. KHCN mà hưng thịnh thì quốc gia mới hưng thịnh. KHCN mà mạnh thì quốc gia mới mạnh. Một quốc gia muốn trở thành cường quốc thì phải là cường quốc KHCN. Một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì phải là một quốc gia có KHCN phát triển.
Thứ hai, khoa học, công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào Luật và được đặt ngang hàng với KHCN, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển.
Nhấn mạnh đổi mới sáng tạo cũng chính là nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của KHCN trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu KHCN và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ đổi mới sáng tạo chiếm tới 3%, trong khi KHCN chiếm 1%.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro.
Thứ tư, chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.
Thứ năm, khoa học công nghệ thay vì ở trên Trời, đi từ Trời xuống Đất thì phải có một chiều nữa là đi từ Đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học.
Thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, thì lần này tập trung vào một chiều mới là lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan.
Thứ sáu, chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học. Đây là định hướng lớn của nhà nước, việc chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học là phù hợp với thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia đều coi các cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản do đây là nơi tập trung nhiều nhất nhân lực nghiên cứu cơ bản, nhất là nhân lực trẻ (đội ngũ giáo viên, giáo sư, sinh viên, nghiên cứu sinh).
Thứ bảy, chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp.Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70-80%.
Thứ tám, cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Các nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn có tác động đến phát triển của quốc gia, nhân loại không kém gì các nghiên cứu khoa học tự nhiên.
Thứ chín, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian, trung tâm đổi mới sáng tạo, các quỹ nghiên cứu phát triển, quỹ đổi mới công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thứ mười, chuyển đổi số toàn diện hoạt động KHCN và quản lý KHCN. Các tổ chức nghiên cứu phát triển sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10-15 năm.
Chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát dài hạn.
Cũng theo Bộ trưởng, những nhà KHCN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của nhân loại phải được tôn vinh muôn đời. "Bộ KH&CN sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một công viên với các tượng đài của các nhà KHCN có thành tựu nghiên cứu, có đóng góp xuất sắc cho đất nước và thế giới" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Tại sự kiện, Bộ KH&CN đã chính thức công bố Chương trình hành động và sứ mệnh mới của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) - một thiết chế tài trợ khoa học được tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Đặc biệt, 10 nhóm tiêu biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và nhà sáng chế đã cùng nhau cam kết triển khai các công trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trọng điểm, hướng đến các lĩnh vực ưu tiên như: Nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị ung thư theo cơ chế di truyền; Phát triển chip AI ứng dụng cho thiết bị thông minh tại biên (Edge-AI); thiết kế máy móc phục vụ nông nghiệp tuần hoàn; làm chủ công nghệ y tế tiên tiến như nút mạch não và hỗ trợ tim; sản xuất phần mềm trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ tiếng Việt “Make in Vietnam”.
Đây là lần đầu tiên một lễ công bố cam kết khoa học quy mô quốc gia được tổ chức đồng thời giữa các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp cho thấy tính thực chất và định hướng ứng dụng mạnh mẽ của ngành KH&CN trong giai đoạn phát triển mới.
Quỳnh Nga- Hán Hiển
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-khoa-hoc-cong-nghe-hung-thinh-quoc-gia-moi-hung-thinh-387898.html