Ghi nhận, biểu dương nhiều kết quả đạt được của hệ thống Kho bạc Nhà nước
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2024, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chủ động tích cực và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ, kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều điểm sáng nổi bật, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.
Tính đến ngày 15/12/2024, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã vượt dự toán, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.870.596 tỷ đồng, vượt 9,97% dự toán năm 2024 được giao, trong đó thu ngân sách trung ương, thu ngân sách địa phương lần lượt vượt 13,47% và 6,46% so với dự toán năm.
“Có được kết quả này, phải kể đến sự đóng góp tích cực của cán bộ, công chức trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN). Tôi ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức toàn hệ thống trong triển khai nhiệm vụ năm 2024 với nhiều kết quả nổi bật” - Bộ trưởng ghi nhận.
Theo Bộ trưởng, KBNN đã thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước, đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội để tổng hợp, hoàn thiện, tham mưu cho Bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét Báo cáo tài chính nhà nước năm 2022 và Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022; trong đó, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ của hệ thống KBNN thời gian tới còn rất nặng nề, do đó, Bộ trưởng đề nghị toàn hệ thống KBNN cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt đã được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2025 và giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời cho biết, Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hệ thống KBNN, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, giải quyết các kiến nghị và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, mặc dù trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước diễn biến không thuận lợi, KBNN đã chủ động, linh hoạt điều hành hài hòa khối lượng và lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ, vừa đảm bảo nhu cầu chi của NSTW, đặc biệt là nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, vừa tiết kiệm chi phí vay thông qua việc huy động các kỳ hạn dài, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Kết quả là lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bình quân từ đầu năm đến nay là 2,52%/năm, giảm 0,69% so với năm 2023 (năm 2023 là 3,21%/năm).
Trong năm 2024, KBNN đã thực hiện khảo sát, đánh giá 2 đợt về mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của toàn hệ thống và luôn được đánh giá hài lòng ở mức rất cao, cụ thể: đợt 1/2024 có kết quả mức độ hài lòng đạt 99,91%, đợt 2/2024 đạt 99,93%.
Ngoài ra, toàn hệ thống KBNN đã đẩy mạnh và không ngừng nâng cấp các ứng dụng, tiện ích, chương trình công nghệ thông tin để từng bước tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, tạo thuận lợi trong giao dịch, tăng cường giám sát từ xa trên hệ thống.
Trong đó, đã hoàn thành việc triển khai thí điểm quy trình về kiểm soát, thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản; đã triển khai diện rộng chương trình thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách với các ngân hàng thương mại...
Hiện nay, đã cung cấp 100% (11/11) thủ tục thực hiện trên Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT (các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc); lượng hồ sơ chứng từ chi NSNN thanh toán qua hệ thống DVCTT đạt tỷ lệ trên 90%, đáp ứng kịp thời các khoản chi NSNN tới các đối tượng thụ hưởng, các khoản chi an sinh xã hội, các khoản giải ngân vốn đầu tư công.
KBNN thực hiện quyết liệt phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hướng tới mô hình tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tính từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm được 2.322 đầu mối và giảm hơn 3.200 vị trí lãnh đạo từ cấp tổ đội trở lên.
“Để đạt được những kết quả như trên, bên cạnh sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, tập thể cán bộ, công chức KBNN đã không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành tài chính trong lĩnh vực quản lý điều hành tài chính - ngân sách năm 2024” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
8 nhiệm vụ trọng tâm hệ thống Kho bạc Nhà nước cần thực hiện trong năm 2025
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2025 là một năm rất quan trọng, nhiều ý nghĩa đối với đất nước nói chung và với ngành Tài chính, hệ thống KBNN nói riêng. Đây là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và là năm có nhiều ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước. Đồng thời, đay cũng là năm kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Việt Nam, 35 năm ngày tái thành lập hệ thống KBNN. Vì vậy, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong năm 2025 đặt ra đối với hệ thống KBNN là hết sức nặng nề.
Để hệ thống KBNN hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, bên cạnh các nhiệm vụ và các nhóm giải pháp đã nêu ra tại các báo cáo của hội nghị này, Bộ trưởng đã đề nghị hệ thống KBNN cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục bám sát chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, tập trung phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực KBNN nói riêng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, hướng đến phát triển hệ thống KBNN hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước.
Hai là, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KBNN phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý. Chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ.
Ba là, quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng hệ thống KBNN chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa; đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, doanh nghiệp và người dân.
"Quá trình triển khai cần đặc biệt chú trọng công tác phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức và định hướng tư tưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động các đơn vị trong toàn ngành để ủng hộ, chia sẻ, chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới" - Bộ trưởng lưu ý.
Bốn là, từ nay đến hết tháng 12/2024 và đầu năm 2025, hệ thống KBNN cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đảm bảo kiểm soát, giải ngân vốn NSNN kịp thời, đúng chế độ; hoàn thành công tác khóa sổ, quyết toán cuối năm 2024. Trong năm 2025, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong ngành tài chính tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, kiểm soát chi NSNN, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Điều hành ngân quỹ chặt chẽ, linh hoạt, đảm bảo khả năng thanh toán của NSNN tại mọi thời điểm ở tất cả các đơn vị.
Năm là, bám sát tình hình thị trường, tình hình thu chi NSNN, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ gốc của NSTW để chủ động xây dựng phương án huy động vốn, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ huy động năm 2025.
Sáu là, tập trung hoàn thành việc lập Báo cáo Tài chính nhà nước năm 2023 và Báo cáo quyết toán NSNN năm 2023, đảm bảo chất lượng và theo đúng tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội.
Bảy là, tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, đơn giản hóa các thủ tục thu, chi ngân sách thuộc lĩnh vực KBNN, nâng cấp dịch vụ công trực tuyến.
Triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; nghiên cứu ứng dụng sâu rộng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu số hiện đại, đồng bộ; từng bước hình thành Kho bạc số... đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
Tám là, tiếp tục duy trì, vận hành ổn định và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; các hệ thống thanh toán với Ngân hàng và trong nội bộ hệ thống KBNN. Tăng cường các biện pháp quản lý an toàn kho quỹ, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối tiền và tài sản mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho hệ thống KBNN quản lý.
Thay mặt ban lãnh đạo KBNN, Tổng Giám đốc Trần Quân cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng. Trên cơ sở đó, sẽ tổ chức triển khai quyết liệt, nghiêm túc và hiệu quả ngay trong thời gian tới.
Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ tin tưởng giao phó.
Vân Hà