Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Xây dựng nền tảng thuế điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Xây dựng nền tảng thuế điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số
2 giờ trướcBài gốc
Ngành Thuế gặt hái nhiều kết quả nổi bật
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2024, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chủ động tích cực và sự thấy phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ, kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều điểm sáng nổi bật, thể chế tiếp tục được hoàn thiện, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.
Có được kết quả này, phải kể đến sự đóng góp tích cực, chủ động của cán bộ, công chức Tổng cục Thuế. Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Tổng cục Thuế trong triển khai nhiệm vụ năm 2024 với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là: Thu ngân sách năm 2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1,732 triệu tỷ đồng (lần đầu tiên vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng), bằng 116,5% dự toán (vượt 245.587 tỷ đồng), tăng 13,7% so với thực hiện năm 2023; có 20/20 khoản thu và 60/63 địa phương đã hoàn thành vượt dự toán được giao.
Năm 2024, thu thuế thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử với số thuế đã nộp là 8.687 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ năm 2023; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành và xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử.
Công tác chuyển đổi số tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ: Ứng dụng hướng tới người nộp thuế 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, số lượng hóa đơn đã xuất trên 11,48 tỷ hóa đơn; 99,5% đối tượng nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử; tỷ lệ hoàn thuế điện tử đạt trên 96%; ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động eTax Mobile có trên 2,3 triệu tài khoản sử dụng, gấp 3,6 lần so với năm 2023; trợ lý ảo (Al) hỗ trợ người nộp thuế (triển khai cuối tháng 11/2024 đã có gần 30.000 lượt hỏi đáp); thiết lập Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng. Kết quả năm 2024 đã thu hồi nợ được 61.227 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã thu hồi được 4.289 tỷ đồng (lớn hơn tổng thu của 3 tỉnh có số thu thấp nhất).
Các mặt công tác khác như thanh tra, kiểm tra, hợp tác quốc tế, công tác nội ngành cũng đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Để đạt được những kết quả như trên, bên cạnh sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã không ngừng nỗ lực áp dụng các biện pháp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đảm bảo an toàn xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, tạo thuận lợi thương mại để vừa khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ công tác thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Với vai trò chính đảm bảo nguồn thu cho ngân sách quốc gia, ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực góp phần bảo đảm an toàn, ổn định nền kinh tế - xã hội, đồng góp lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước những diễn biến khó lường, nhiều khó khăn, hơn lúc nào hết, ngành Thuế đang phải nỗ lực hết sức để đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phòng chống thất thu thuế, tạo thuận lợi thương mại ở mức tối đa, bảo đảm an ninh kinh tế. Do vậy, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Thuế trong năm 2025, phải nỗ lực hơn nữa, tập trung vào các nhiệm vụ công tác trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, tập trung phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực thuế nói riêng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là xây dựng nền tảng thuế điện tử để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số, với mục tiêu xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.
Bộ trưởng thăm trung tâm giám sát hệ thống công nghệ thông tin.
Thứ hai, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý. Tích cực thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được phê duyệt trong lĩnh vực thuế đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đặc biệt là công tác hoàn thiện Luật Quản lý thuế và sửa đổi các luật về thuế (thuế thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp...), tạo dựng khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng; vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa quản lý chặt chẽ, không để xói mòn nguồn thu. Chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ.
Thứ ba, quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, xây dựng ngành Thuế chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành Thuế; đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, doanh nghiệp và người dân.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị.
Thứ tư, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2025 và 63/63 địa phương phải hoàn thành thu vượt dự toán. Kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành ngân sách. Bên cạnh đó, cần lưu ý đánh giá, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021 - 2025. Rà soát, tham mưu cho Bộ xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.
Thứ năm, triển khai đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu. Nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu.
Thứ sáu, tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ để chống gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để trao đổi thông tin quản lý và đặc biệt là phối hợp với cơ quan công an trong hoạt động xác minh, điều tra, khởi tố, tăng cường tính răn đe, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho những người nộp thuế tuân thủ; tạo lòng tin và thúc đẩy hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thứ bảy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh đối tượng quản lý của hệ thống thuế ngày càng tăng, bộ máy ngày càng tinh gọn. Do vậy, cần tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ thuế.
Thứ tám, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế. Đổi mới phương pháp, cách thức truyền thông, tiếp cận tới từng người nộp thuế, đảm bảo truyền tải thông tin kịp thời, dễ hiểu, dễ thực hiện; giải quyết từ sớm, từ xa những vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế. Triệt để chuyển đổi tư duy hành chính quản lý sang hành chính phục vụ, lấy người nộp thuế là trung tâm.
“Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành Thuế, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, giải quyết các kiến nghị của ngành và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.
Thứ chín, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, tạo động lực cần thiết để thu hút, giữ chân người tài, có tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc, đồng thời đưa những cán bộ không đủ năng lực phẩm chất ra khỏi bộ máy. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có tâm, có tầm, có trình độ, năng lực chuyên môn. Đồng thời liên tục quán triệt thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Thứ mười, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, không để xảy ra tình trạng lãng phí tài chính, tài sản công.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nhiệm vụ của ngành Thuế thời gian tới còn rất nặng nề, theo đó, Bộ trưởng đề nghị ngành Thuế cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt đã được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, lãnh đạo Tổng cục Thuế và toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế tiếp thu triệt để những ý kiến chỉ đạo sát sao, tâm huyết của Bộ trưởng.
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, trên tinh thần phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2024, toàn ngành Thuế tiếp tục nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, cùng chung sức đồng lòng triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác thuế năm 2025./.
Bài và ảnh: Văn Tuấn - Đức Minh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-truong-nguyen-van-thang-xay-dung-nen-tang-thue-dien-tu-dap-ung-yeu-cau-quan-ly-thue-trong-boi-canh-kinh-te-so-166734.html