Ông Kim Yong Huyn được cho là đã khuyên Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp vào tối 3/12, theo hãng thông tấn Yonhap.
"Tôi vô cùng hối hận và chịu toàn bộ trách nhiệm cho sự nhầm lẫn và lo lắng trong công chúng về sắc lệnh thiết quân luật", ông Kim cho biết trong một tuyên bố. "Tôi đã nhận toàn bộ trách nhiệm liên quan đến vấn đề này và đã đệ đơn từ chức lên tổng thống".
Ông Kim bị cáo buộc là đã khuyên Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật. Ảnh: Reuters.
Cũng trong ngày 4/12, hãng thông tấn Yonhap đưa tin các cố vấn cấp cao của Tổng thống Yoon đã đồng loạt nộp đơn từ chức.
Cùng ngày, các nhà lập pháp trong Quốc hội Hàn Quốc đã đệ trình dự thảo luận tội ông Yoon, theo AFP.
"Chúng tôi đã đệ trình một kiến nghị luận tội được chuẩn bị khẩn cấp", DW dẫn lời người đại diện 6 đảng đối lập, trong đó có đảng Dân chủ chiếm thế đa số ở Quốc hội, cho biết.
Cũng theo nguồn tin trên, cuộc bỏ phiếu nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol dự kiến diễn ra sớm nhất vào ngày 6/12.
Đảng Dân chủ đối lập nói rằng họ dự định đệ trình thêm "cáo buộc nổi dậy" chống lại Tổng thống Yoon, nội các của ông và "những nhân vật quân sự quan trọng như chỉ huy thiết quân luật hay cảnh sát trưởng".
Đêm 3/12, Tổng thống Yoon phát lệnh thiết quân luật khẩn cấp với cáo buộc phe đối lập kiểm soát Quốc hội có âm mưu hủy hoại nền dân chủ tự do. Tuy nhiên, chỉ 5 giờ sau, trước sức ép của Quốc hội, Tổng thống Yoon đã phải bãi bỏ sắc lệnh này, theo Yonhap.
Theo các quan chức Quốc hội, 18 trong số 190 nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh thiết quân luật là thành viên đảng cầm quyền Quyền lực Nhân dân.
Rạng sáng 4/12, Tổng thư ký Quốc hội Hàn Quốc Kim Min Ki đã cấm các lực lượng vũ trang tiếp cận tòa nhà Quốc hội. Ông cũng tuyên bố quân đội sẽ phải "chịu trách nhiệm pháp lý" đối với bất kỳ "thiệt hại vật lý và hành vi bất hợp pháp" nào được thực hiện trong 6 giờ thiết quân luật.
Theo đài truyền hình Hàn Quốc MBC, khoảng 230 binh sĩ đã tiến vào tòa nhà Quốc hội thông qua 24 trực thăng.
Đại Hoàng