Bộ trưởng Tài chính: Đáng lẽ đánh thuế sớm hơn với nước giải khát có đường

Bộ trưởng Tài chính: Đáng lẽ đánh thuế sớm hơn với nước giải khát có đường
14 giờ trướcBài gốc
Sáng 9-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Tại phiên thảo luận, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm tới việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như nước giải khát có đường, xăng dầu và điều hòa nhiệt độ.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã dành thời gian giải trình, làm rõ những nội dung mà đại biểu quan tâm.
‘Rất khó đối với cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra’
Về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như nước giải khát có đường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính nhận được rất nhiều ý kiến. Trong đó, có những ý kiến đặt vấn đề đã cần thiết phải đánh thuế lúc này chưa? Ý kiến khác lại yêu cầu “phải đánh thuế càng nhanh càng tốt và càng nhiều càng tốt”.
“Rất khó đối với cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: PHẠM THẮNG
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Tài chính nói có những căn cứ “rất rõ ràng” để cân nhắc việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường theo hàm lượng là 5g/100ml như dự thảo luật.
Cụ thể, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có báo cáo rất chi tiết, cụ thể đối với các quốc gia; trong đó có khuyến cáo Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiêu thụ nước đường ngày càng lớn và dẫn đến nguy cơ béo phì.
“Theo thống kê hiện nay, lượng đường chúng ta tiêu thụ đã lên 46,5% đường tự do/ngày và phần lớn đến từ nước giải khát có đường, đây chính nguyên nhân dẫn đến béo phì và thừa cân”- ông Thắng nói và cho biết WHO khuyến nghị tất cả các nước, trong đó có Việt Nam phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu là 20%.
Ông Thắng thông tin thêm hiện có 107 quốc gia đã đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này; còn tại ASEAN, có 7/11 quốc gia...
“Từ thực tiễn thế giới và thực trạng của Việt Nam như thế, cá nhân tôi nghĩ rằng đáng nhẽ phải đánh thuế sớm hơn... Không thể để thế hệ con em của chúng ta đến lúc béo phì, đến lúc bệnh rồi chúng ta mới bàn”- lời ông Nguyễn Văn Thắng.
Bộ trưởng Tài chính cho hay cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu các ý kiến về mức thuế và thời gian theo hướng giãn thời hạn áp và giảm tỷ lệ ở mức năm 2027 là 8%, năm 2028 là 10%.
Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để xem mặt hàng nào sẽ áp thuế TTĐB từ 1-1-2026, mặt hàng nào lùi sang 1-1-2027 để chúng ta vừa thực hiện được mục tiêu của Quốc hội, đồng thời cũng tránh “cú sốc” đối với các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết theo tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát do Bộ KH&CN công bố, những loại nước sẽ không bị đánh thuế TTĐB bao gồm: Sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao.
“Nước dừa sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”- ông Thắng nói thêm về thứ nước uống được đại biểu quan tâm.
Cân nhắc điều hòa công suất từ 24.000 BTU trở lên mới phải chịu thuế TTĐB
Liên quan đến đánh thuế đối với điều hòa nhiệt độ, Bộ trưởng Tài chính cho hay một số nước đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ với 2 lý do. Thứ nhất, liên quan đến tiết kiệm năng lượng; thứ hai, liên quan đến chất làm lạnh gây hại tới môi trường, gây hại đến tầng ozon.
Thực tế, theo ông Thắng, Việt Nam đã đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này từ trước và hiện nay vẫn đang đánh thuế. Tuy nhiên, lần này sửa đổi, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đưa vào dự thảo đề xuất đánh thuế đối với những mặt hàng điều hòa từ trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU.
“Hôm nay, có những đại biểu Quốc hội đề nghị có thể nâng công suất này lên. Chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến này để nghiên cứu, có thể nâng lên ở mức từ trên 24.000 BTU trở lên đến dưới 90.000 BTU sẽ đưa vào diện chịu thuế TTĐB”- ông Thắng nói.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định việc đánh thuế này “không phải chỉ câu chuyện liên quan đến Việt Nam”.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tới năm 2045, chúng ta hạn chế và không sản xuất, không nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí nguyên cụm sử dụng các chất HCFC và chất CFC, tức là những chất làm lạnh ảnh hưởng đến tầng ozon. Chưa kể hiện nay, chúng ta cũng không khuyến khích tiêu thụ điện, điện tiêu thụ càng nhiều giá phải trả càng cao.
Muốn người dân sử dụng xe điện, Metro thì phải đánh thuế với xăng
Liên quan đến thuế TTĐB đối với xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính thông tin chúng ta đã đánh thuế với mặt hàng này từ năm 1998. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COOP 26 về việc chúng ta phải giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050. “Đây là một cam kết rất khó khăn đối với Việt Nam”- ông Thắng cho biết.
Với cam kết về môi trường như vậy, ông Thắng cho rằng “càng không thể không đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng”.
Bộ trưởng Tài chính cũng đánh giá ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, với những phương tiện giao thông như hiện nay, nếu tiếp tục không đánh thuế với xăng sẽ rất khó khăn để thay đổi hành vi. “Chúng ta mong muốn phải sử dụng xe điện, sử dụng hệ thống Metro… thì chúng ta cần có nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề liên quan đến xăng”- ông Thắng nói thêm.
Trước ý kiến đại biểu cho rằng hiện nay xăng phải chịu hai loại là thuế và phí, Bộ trưởng Tài chính cho biết hầu hết tất cả các nước lớn, các nước phát triển đều đánh thuế và phí, chỉ có tên gọi khác nhau.
“Việc áp cả 2 loại thuế, phí là phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP 26 và mục tiêu giảm phí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, cộng cả hai loại thuế và phí này, chúng ta vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia và đặc biệt so với Châu Âu, Châu Âu đánh lên tới 17.000 - 18.000/1 lít xăng”- ông Thắng nói.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi vào ngày 13-6 tới.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/bo-truong-tai-chinh-dang-le-danh-thue-som-hon-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-post848851.html