Bộ trưởng Tài chính: Mở rộng chỉ định thầu nhưng kiểm soát chặt, tránh lạm dụng

Bộ trưởng Tài chính: Mở rộng chỉ định thầu nhưng kiểm soát chặt, tránh lạm dụng
8 giờ trướcBài gốc
Chiều 23/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Tinh thần đột phá trong phân cấp, phân quyền
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, dự thảo Luật đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền.
Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi nhiều quy định tại Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để phân cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện phù hợp với chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quochoi.vn
Với Luật Đấu thầu, theo Bộ trưởng Tài chính, thực hiện nghị quyết số 68 và nghị quyết số 66 của Bộ chính trị, Bộ Tài chính đã rà soát và cắt bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính tại các luật. Như là đã sửa đổi luật đấu thầu để cắt giảm một số khâu trung gian, lược bỏ các thủ tục không cần thiết.
Bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các hình thức đấu thầu đơn giản, quy mô nhỏ, bỏ vai trò bên mời thầu, chuyển giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư, tổ chuyên gia để giảm một cấp trung gian. Tinh gọn đầu mối và đơn giản hóa quy trình thủ tục.
Bộ Tài chính đã sửa Luật PPP theo hướng bỏ thủ tục thành lập hội đồng thẩm định, đơn giản hóa nội dung hồ sơ mời thầu, rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu. Đã sửa đổi luật đầu tư công để đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt chương trình dự án đầu tư công theo hướng cho phép thành lập hội đồng thẩm định đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư chương trình dự án để thực hiện ngay một số thủ tục cần thiết. Thủ tướng có thể giao cho Bộ, cơ quan ngang bộ thành lập hội đồng thẩm định phù hợp với chức năng nhiệm vụ ngành, lĩnh vực của chương trình dự án.
Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật lần này đề xuất cho phép chỉ định thầu trong một số trường hợp cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh, hoặc khi nhà đầu tư không làm tăng tổng mức đầu tư và có đủ điều kiện kiểm soát.
"Không phải cứ thấy vướng là chọn chỉ định thầu. Chỉ định thầu cũng phải có điều kiện chặt chẽ, có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng. Việc gì dễ là người ta chọn làm trước, còn việc khó thì đùn đẩy nhau, rất nguy hiểm cho bộ máy," Bộ trưởng Tài chính nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, không thể để tình trạng lạm dụng cơ chế này như một cách "né đấu thầu" trong khi Luật đặt ra mục tiêu là công khai, minh bạch, cạnh tranh. Trong đó cơ chế chỉ định thầu cần được thiết kế với trách nhiệm rõ ràng, quy trình minh bạch và hậu kiểm nghiêm ngặt.
Ngăn tình trạng bỏ thầu giá thấp để rồi "bỏ của chạy lấy người"
Cũng theo Bộ trưởng, một trong những bất cập trong đấu thầu hiện nay là việc một số nhà thầu cố tình bỏ giá thầu rất thấp để trúng thầu, sau đó thi công cầm chừng, bỏ dở hoặc xin điều chỉnh giá.
"Nhiều trường hợp bỏ thầu thấp bất thường, xong rồi thi công dở dang hoặc xin tăng giá, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. Phải có cơ chế hậu kiểm, tăng mức bảo đảm thực hiện hợp đồng và yêu cầu cam kết về năng lực kỹ thuật, tài chính rõ ràng hơn," Bộ trưởng khẳng định.
Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đưa ra giải pháp tăng điểm kỹ thuật trong đánh giá, không chỉ dựa trên yếu tố giá rẻ, đồng thời siết điều kiện đấu thầu để chọn nhà thầu thực sự có năng lực.
Đối với luật đấu thầu thì đã sửa đổi, khắc phục những hạn chế, bất cập như làm chậm tiến độ, đội chi phí, chất lượng thấp, gây thất thoát và ảnh hưởng đến cán bộ. Tháo gỡ được những vướng mắc và thật sự đáp ứng được hiệu quả cao nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và thực hiện các công trình dự án sớm nhất.
Dự thảo luật quy định trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu như là đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng...Theo nguyên tắc là bảo đảm tiến độ, chất lượng và không được làm tăng tổng mức đầu tư.
Mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu dự án. Đồng thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các gói thầu này bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Bộ trưởng cho biết.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/bo-truong-tai-chinh-mo-rong-chi-dinh-thau-nhung-kiem-soat-chat-tranh-lam-dung-41854.html