Ông Bessent cho rằng Elon Musk không thực sự có sức hút với cử tri. Ảnh: The Strait Times.
Phát biểu trên kênh CNN ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng các hội đồng quản trị tại những công ty do tỷ phú Elon Musk điều hành - bao gồm hãng xe điện Tesla và công ty vũ trụ SpaceX - nhiều khả năng không hài lòng với việc ông dấn thân vào chính trị.
“Tôi hình dung các hội đồng quản trị không hề ủng hộ thông báo ngày hôm qua của ông Musk, và có lẽ đang khuyến khích ông ấy tập trung vào hoạt động kinh doanh thay vì theo đuổi các tham vọng chính trị”, ông Bessent nói.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Musk công bố thành lập một đảng chính trị mới nhằm phản đối dự luật cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng - dự luật mà Tổng thống Donald Trump vừa ký ban hành ngày 4/7. Musk cho rằng đạo luật này sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách và đẩy Mỹ đến bờ vực nợ công vượt kiểm soát.
Trước đó, Musk từng chi hàng triệu USD để tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của Trump và thường xuyên xuất hiện bên cạnh Tổng thống tại Phòng Bầu dục. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người rạn nứt sau khi bất đồng về đạo luật tài khóa.
Dự luật vừa được thông qua với tỷ lệ phiếu sát sao theo đường lối đảng phái tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện, bao gồm các điều khoản cắt giảm thuế và tăng mạnh chi tiêu quốc phòng cùng kiểm soát biên giới. Giới phê bình cảnh báo đạo luật sẽ làm gia tăng đáng kể thâm hụt ngân sách liên bang.
Ông Trump cho rằng Elon Musk phản ứng tiêu cực vì đạo luật đã loại bỏ các ưu đãi thuế dành cho xe điện Tesla. Đáp lại sự chỉ trích của Musk, ông Trump đe dọa sẽ rút lại hàng tỷ USD hỗ trợ và hợp đồng chính phủ dành cho Tesla và SpaceX.
Tuy nhiên, Musk lập luận rằng mối quan ngại lớn nhất của ông là việc dự luật khiến nợ công quốc gia và thâm hụt ngân sách gia tăng mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bessent tỏ ra hoài nghi về ảnh hưởng chính trị thực sự của Musk, cho rằng cử tri Mỹ thích chương trình cải tổ chính phủ (DOGE) do ông từng đứng đầu hơn là cá nhân Musk.
“Các nguyên tắc của DOGE từng rất được ưa chuộng”, ông Bessent nói. “Nhưng nếu nhìn vào các cuộc thăm dò dư luận, người ta thích DOGE, chứ không phải Elon”.
Ngay sau tuyên bố thành lập đảng mới, Musk vấp phải phản ứng dữ dội từ giới tài chính. Ngày 5/7, Azoria Partners thông báo hoãn kế hoạch ra mắt quỹ ETF “Azoria Tesla Convexity”, dự kiến niêm yết trong tuần này. Lý do được đưa ra là xung đột giữa vai trò chính trị và vị trí CEO toàn thời gian của Musk tại Tesla.
Giám đốc điều hành Azoria, ông James Fishback, đăng loạt bình luận chỉ trích trên mạng xã hội X và tái khẳng định ủng hộ Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Đảng Dân chủ Mỹ dường như hoan nghênh cuộc chia rẽ giữa Trump và Musk 2 hai nhân vật từng được xem là biểu tượng của phong trào “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA).
“Đảng MAGA của ông Trump đang rạn nứt từ bên trong sau cơn ác mộng mang tên ngân sách. Các nghị sĩ Cộng hòa đang dần nhận ra rằng họ vừa tự ký quyết định sa thải chính mình, và giờ thì tuyệt vọng tìm người để đổ lỗi”, người phát ngôn Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC), ông Abhi Rahman, nhận định.
Phương Linh