Bộ trưởng TN&MT lần đầu 'lắng nghe nông dân nói'

Bộ trưởng TN&MT lần đầu 'lắng nghe nông dân nói'
3 giờ trướcBài gốc
Bộ TN&MT khẳng định người dân được kinh doanh dưới tán rừng. Ảnh: Blue Diamond Camp.
Sáng nay (24/11), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn đàn lắng nghe nông dân.
Tại đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy bày tỏ mong muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân cả nước liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.
Ông cũng mong được nông dân chia sẻ những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả; đồng thời kiến nghị, đề xuất những giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo động lực để phát triển mạnh mẽ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trả lời câu hỏi của một nông dân tại huyện Phú Lương, tỉnh Hòa Bình về việc có được trồng cây phục vụ ngành nghề gắn với du lịch trên đất rừng hay không, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định người dân được kết hợp khai thác các hoạt động kinh tế dưới tán rừng.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, cho biết Luật Đất đai mới quy định người dân được kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch, trồng cây dược liệu... trên cả 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng).
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng khẳng định Luật Đất đai cho phép sử dụng đất đa mục tiêu. Tuy nhiên khi kết hợp kinh doanh trên đất rừng sản xuất hay một phần đất rừng phòng hộ, người dân cần phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng và phê duyệt phương án phát triển nông nghiệp bền vững.
Sau đó, người dân mới được tiến hành các dự án kinh tế dưới tán rừng, đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tại diễn đàn sáng 24/11. Ảnh: D.V.
Cũng tại diễn đàn, đại diện một hợp tác xã ở huyện Kiến Xương, Thái Bình đặt vấn đề về quỹ đất khi sản xuất kinh doanh theo mô hình đại điền. Cụ thể, bà cho biết hiện nông dân cho thuê ruộng vẫn có tâm lý sợ mất ruộng do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, những người muốn sản xuất kinh doanh theo mô hình đại điền như bà gặp khó khăn trong việc thuê đất.
Bà cũng cho rằng một trong những trở ngại của đại điền hiện nay là mặt bằng, bãi để khay mạ, kho chứa, nhà xưởng. Diện tích canh tác lớn nhưng nông dân chưa có đủ điều kiện để thuê đất làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, máy móc, nhà xưởng sấy thóc...
Trong khi đó, xu thế hiện nay của nhiều đại điền ở Thái Bình là vừa canh tác lớn vừa mở rộng làm dịch vụ nông nghiệp cho các hộ, hợp tác xã khác. Do vậy, bà kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hỗ trợ đại điền có mặt bằng hợp pháp để phát triển hệ thống kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Trả lời câu hỏi này, Vụ trưởng Vụ Đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ cho hay để tập trung đất nông nghiệp hiện có 2 phương án. Ngoài hướng hợp tác, cho thuê, chuyển đổi đất nông nghiệp thì còn một phương thức khác là tích tụ đất nông nghiệp thông qua nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn...
Với cả hai phương án, Nhà nước đều có các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ ngân sách đo đạc, cấp giấy, chỉnh lý trên hồ sơ địa chính...
Liên quan đến vấn đề làm sao để có mặt bằng xây dựng kho bãi, bảo quản nông cụ sản xuất, nông sản, bà Mỹ cho hay Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 102 đã quy định chi tiết các loại đất, trong đó nhóm đất nông nghiệp khác được dành một phần diện tích để xây kho, bãi.
Thủy Tiên
Nguồn Znews : https://znews.vn/bo-truong-tn-mt-lan-dau-lang-nghe-nong-dan-noi-post1513350.html