Mặt bằng đến đâu, thi công ngay đến đó
Sáng 3/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thị sát hiện trường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công dự án thành phần 1 (DATP 1) cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Thị sát cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng Trần Hồng Minh ghi nhận công trường có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực.
Tại vị trí nút giao với cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Bộ trưởng Trần Hồng Minh ghi nhận sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu trong việc vượt khó thi công, đẩy tiến độ dự án. Đặc biệt, dù thời tiết vừa qua có nhiều bất lợi nhưng công trường khởi sắc, chuyển biến tích cực.
Với những vướng mắc về mặt bằng trên tuyến còn tồn đọng khiến công địa thi công không liên tục, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần vào cuộc quyết liệt trên tinh thần "vì lợi ích quốc gia, dân tộc", sớm thông mặt bằng để thông tuyến công vụ vào dự án. Từ đó, tạo điều kiện để nhà thầu thi công hoàn thành dự án, góp phần đưa toàn tuyến cao tốc vào vận hành.
Báo cáo với Bộ trưởng, Giám đốc Ban QLDA 6 Trần Hữu Hải (chủ đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) cho hay, ngoài bất lợi về thời tiết, mặt bằng "xôi đỗ" thì địa chất dự án phức tạp, địa hình thi công phần lớn của tuyến chính từ Khánh Hòa đến Đắk Lắk xuyên qua rừng núi hiểm trở, phải chuyển đổi đất rừng...
DATP 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột thi công đạt gần 40% giá trị hợp đồng xây lắp.
"Công địa thi công rất chật hẹp, địa chất yếu và việc mở đường công vụ vận chuyển thiết bị, vật tư vào công trường khó khăn. Nhiều vị trí phải đi đường vòng cả chục km mới tiếp cận được công trường thi công", ông Hải trình bày.
Lắng nghe báo cáo của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án thành phần 1 cần tận dụng tối đa mặt bằng đã có, xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, bố trí các mũi thi công hợp lý để đẩy mạnh từng đầu việc. Trọng tâm là tăng tốc các hạng mục cầu, nền đường...
"Các đơn vị thi công tập trung mọi nguồn lực, huy động tối đa nhân lực, thiết bị, tài chính tổ chức thi công. Đặc biệt là các hạng mục đường găng của dự án. Làm việc với tinh thần "3 ca, 4 kíp" để đảm bảo tiến độ. Mặt bằng đến đâu tổ chức thi công ngay đến đó. Khó khăn ai cũng thấy, nhưng vượt qua làm nên kỳ tích mới là điều quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao hơn 95% mặt bằng, đoạn còn lại chưa bàn giao không còn nhiều, vì thế tỉnh tiếp tục vào cuộc quyết liệt gỡ các vướng mắc. Với tiến độ triển khai dự án như hiện nay, nếu địa phương sớm xử lý các vấn đề còn vướng mắc trong GPMB, từ đó tiến độ dự án được đẩy mạnh có thể các nhà thầu sẽ đưa công trình về đích vượt tiến độ.
"Tư lệnh" ngành Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong tổ chức từng mũi thi công, phải đảm bảo chất lượng công trình, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Nỗ lực cao nhất để có mặt bằng sạch, thông tuyến
Theo thống kê của Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và giao thông tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư DATP1), công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công tuyến chính dự án hiện đã phê duyệt 100% phương án bồi thường trong tổng số gần 230ha, giải ngân 505 tỷ đồng.
Giám đốc Ban QLDA 6 Trần Hữu Hải (hàng đầu, trái) báo cáo với Bộ trưởng về tiến độ triển khai dự án. Địa hình, địa chất phức tạp là một trong những "đường găng" trên tuyến.
Trong đó, phần mặt bằng được bàn giao cho nhà thầu triển khai thi công gần 97% (theo chiều dài tuyến). Hiện nay, dự án còn vướng mặt bằng 11 điểm với chiều dài tuyến khoảng 1km.
Liên quan đến công tác tái định cư, ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa cơ bản mặt bằng đã bàn giao trên 98%, còn vướng 2 trường hợp có nhà ở giải tỏa trắng chờ xác định lại một số vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục.
Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa Đặng Hữu Tài chia sẻ: Khó khăn về mặt bằng, công địa thi công là vậy nhưng các nhà thầu đã thi công đạt gần 40% giá trị hợp đồng. Cùng với đó, công tác giải ngân năm 2024 đạt gần 85%. Lũy kế giá trị giải ngân từ đầu dự án đến nay được 2.337 tỷ đồng.
Để hoàn thành 20km vào cuối năm 2025, đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa đẩy nhanh công tác GPMB, chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với các xã, phường tiếp tục vận động các hộ dân còn lại sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công trước ngày 15/4.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh tặng quà cho đội công nhân, kỹ sư thi công dự án. Bộ trưởng gửi lời thăm hỏi ân cần, mong cán bộ, đội ngũ kỹ sư, công nhân tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng xây dựng hoàn thành dự án.
Ngoài ra, ông Tài còn kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm xem xét thẩm định hồ sơ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật nút giao với QL26, từ nút giao trực thông thành liên thông và điều chỉnh giải pháp thiết kế cầu Km26 và cầu Km29 trên tuyến để phù hợp hơn nhằm đưa công trình vào khai thác đạt hiệu quả cao nhất.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài gần 118km với tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chia thành 3 DATP. Trong đó, DATP1 dài 31,5km có tổng mức đầu tư 5.333 tỷ đồng, nằm trên địa phận tỉnh Khánh Hòa.
Dự án này do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và giao thông tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư kết nối với DATP 2 (do Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư) và DATP3 (do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản).
Việc hoàn thành dự án sẽ góp phần kết nối giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Lê Đức
Tưởng Cao Sơn