Chú trọng tiến độ phải đồng thời quan tâm chất lượng
Sáng nay (3/2), ngay trong ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đã chủ trì giao ban công tác tháng 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2025.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: Tạ Hải.
Đánh giá cao kết quả các cơ quan, đơn vị đạt được trong tháng 1/2025 và gửi lời chúc mừng đầu Xuân đến đại diện các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng nhấn mạnh: các cơ quan đã triển khai với tinh thần quyết liệt, quyết tâm. Đặc biệt, ở lĩnh vực đường sắt, trong một thời gian rất ngắn đã hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến nhiều văn bản, dự thảo nghị quyết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đi thẳng vào các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu từ nay đến quý II/2025, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải được chú trọng.
"Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn định mức còn thiếu ở các lĩnh vực là một trong các vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Không có định mức thì không thể xây dựng đơn giá", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập đến hoạt động đầu tư xây dựng, theo Bộ trưởng, khối lượng công việc thực hiện trong năm 2025 là rất lớn. Đường bộ phải hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc. Đường sắt bên cạnh phấn đấu khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng còn cần hoàn thành nghiên cứu đầu tư nhiều tuyến khác.
Nhiệm vụ quan trọng của ngành hàng không là cơ bản hoàn thành dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, Tư lệnh ngành GTVT yêu cầu đối với lĩnh vực đường bộ, các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
"Lo lắng nhất hiện nay là các dự án thành phần đi qua khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Các chủ đầu tư xem xét lại năng lực nhà thầu. Chú trọng tiến độ phải đồng thời quan tâm chất lượng. Nhân sự quản lý dự án phải thường xuyên có mặt ở hiện trường cùng cơ quan quản lý chất lượng, tư vấn, nhà thầu nhận diện vướng mắc, gỡ khó kịp thời.
Đặc biệt, các dự án Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc trục ngang, việc thi công rất cần cát gia tải. Nhưng nếu cát không đủ, thời gian không còn thì phải có giải pháp. Các cơ quan, kể cả các viện nghiên cứu phải cùng vào cuộc khảo sát, đánh giá, tìm phương án thi công để khu vực đất yếu sớm tắt lún nhưng vẫn đạt yêu cầu kỹ thuật", Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm đầu năm, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các chủ đầu tư, đoạn tuyến cao tốc nào hoàn thành dịp 30/4 tới đây thì tiếp tục nghiên cứu làm giai đoạn 2 (đầu tư mở rộng). Các dự án về đích giai đoạn sau cũng cần chuẩn bị sẵn phương án.
"Để tiết kiệm, tránh lãng phí, cần xem xét năng lực các nhà thầu đang thi công tại dự án, có sẵn nguồn lực tại chỗ, xem xét phương án, điều kiện phù hợp, khả năng chỉ định thầu để triển khai giai đoạn 2, báo cáo các cấp có thẩm quyền cho ý kiến", Bộ trưởng nói.
Đặc biệt quan tâm đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng lưu ý: một số gói thầu thuộc dự án chưa lựa chọn nhà thầu. Tổng thể công trình mới được khoảng 30% giá trị. Đá đang thiếu, đường băng số 2 sẽ tiếp tục thi công, hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn nhiều việc phải làm. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối có nguy cơ chậm tiến độ. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn này cũng là vấn đề cần nhanh chóng tìm đáp án.
Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị liên quan tập trung hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án cấp bách như: TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Yên Bái - Lào Cai; Thái Nguyên - Chợ Mới; Hà Nội - Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan; Mỹ An - Cao Lãnh... để sớm khởi công.
Với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cơ quan chuyên môn của Bộ cần hỗ trợ hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng hoàn thiện thủ tục, sớm đầu tư giai đoạn 2 để phát huy hiệu quả đầu tư.
"Đơn vị liên quan cần sớm nghiên cứu dự án đầu tư nâng cấp QL51 lên 8 làn xe quy mô đường đô thị theo 2 phương án: PPP hoặc đầu tư công (có thu phí), trước hết phải giải quyết dứt điểm công tác tài chính liên quan; Hoàn thiện đề án tháo gỡ vướng mắc các dự án BOT trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2025; Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư đồng bộ khi các tuyến cao tốc vào khai thác", Bộ trưởng chỉ đạo.
Đối với công tác xây dựng đề án sáp nhập Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, yêu cầu đặt ra là phải rõ tiêu chí, thang điểm, đảm bảo hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Quá trình làm đề án , xây dựng chức năng nhiệm vụ phải tách bạch rõ vai trò thẩm định và quản lý khai thác.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh.
Vận tải tăng trưởng hai con số ngay trong tháng đầu năm
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong tháng đầu năm, Ban cán sự đảng Bộ GTVT đã kịp thời trình và được Bộ Chính trị có kết luận về Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Toàn cảnh hội nghị giao ban công tác tháng 1/2025 của Bộ GTVT sáng nay (3/2) - Ảnh: Tạ Hải.
Bộ cũng đã trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035.
Đặc biệt, đảm bảo nhu cầu vận tải trong tháng cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa Lễ hội xuân 2025, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp điều hành giá, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2025, vận tải ghi nhận tăng trưởng hai con số. Vận tải hàng hóa ước đạt hơn 236 triệu tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, hàng không tăng hơn 14%, đường bộ tăng gần 13%, đường thủy tăng hơn 9%, đường biển tăng hơn 21%, đường sắt tăng gần 2%.
Vận chuyển hành khách ước đạt 454 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, hàng không tăng gần 19%, đường biển tăng gần 11%, đường sắt tăng hơn 11%, đường bộ tăng 16,5%, đường thủy tăng hơn 7%.
Đối với công tác giải ngân, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 81.000 tỷ đồng.
Với mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao, Bộ đã khẩn trương giao toàn bộ chi tiết kế hoạch cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và thực hiện nhập dữ liệu trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.
Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất, coi kết quả giải ngân là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm.
Nam Khánh