Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Phải đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt

Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Phải đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt
3 ngày trướcBài gốc
Đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai: Suất đầu tư hợp lý
Quốc hội vừa thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá gần 8,4 tỷ USD, tổng chiều dài 390.9 km, đi qua 9 tỉnh thành phố phía Bắc Việt Nam, điểm đầu Lào Cai - điểm cuối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), kết nối với Trung Quốc.
Phát biểu giải trình về vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm là hướng tuyến và các giải pháp thiết kế sơ bộ, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh khẳng định, dự án đã nghiên cứu và lựa chọn theo nguyên tắc tuyến ngắn nhất, thẳng nhất, giảm các công trình, khối lượng trên tuyến; đồng đã làm việc trực tiếp với 9 địa phương để thống nhất phương án tuyến và phương án tuyến hiện nay đã cơ bản tốt.
Thiết kế các công trình trên tuyến phải bảo đảm được khả năng chịu lực, phải nằm trong các tiêu chuẩn thiết kế của quốc gia cũng như của thế giới.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu
Trên toàn tuyến sử dụng 29% kết cấu là cầu, 7% kết cấu là hầm và hơn 60% là kết cấu nền đường. Các công trình ga được bố trí phù hợp với quy hoạch và đáp ứng được yêu cầu vận tải.
Bên cạnh đó phù hợp với điều kiện tự nhiên, khu vực và phát huy được phát triển kinh tế của các địa phương khi cần giao lưu hàng hóa ở tại các ga; sắp tới khi có đủ các số liệu khảo sát, thiết kế chi tiết sẽ nghiên cứu điều chỉnh để tối ưu.
Về suất đầu tư, ông Trần Hồng Minh cho biết, nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác thì hiện nay ở mức 15,97 triệu USD/km. Tham khảo các tuyến đường sắt từ Ngọc Khê đi Mạc Hàn, Trung Quốc chỉ có chi phí xây dựng và thiết bị cũng có tổng mức đầu tư 7,3 tỷ USD cho 498 km, tương đương với 17,95 triệu USD/km. Hay là tuyến đường sắt mới nhất của Lào dài 418 km có tổng mức đầu tư là 5,96 tỷ USD và suất đầu tư quy đổi khoảng 16,77 triệu USD/km.
“Như vậy, tổng mức đầu tư ở đây của chúng ta thấp hơn một tí là tương đối hợp lý so với vùng, khu vực và đơn giá trong nước”, ông Trần Hồng Minh nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Đồng thời, với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần tăng trưởng.
Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được Quốc hội thông qua cho đường sắt tốc độ cao và những đặc thù của dự án, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu, Chính phủ đề xuất 15/19 cơ chế chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172 và thêm vào 3 cơ chế chính sách.
Đường sắt đô thị: Không có cơ chế đặc thù thì không kịp
Chính phủ cũng vừa trình Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng vấn đề phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) vừa qua chưa được quan tâm, do vậy, phải rút kinh nghiệm để làm sao tạo những quỹ đất khu vực ga để khai thác tăng thêm nguồn thặng dư về đất, chỉnh trang đô thị cho phù hợp.
Liên quan chủ trương đầu tư, ông cho biết từ thực tiễn triển khai của 2 thành phố cho thấy công tác phê duyệt chủ trương đầu tư thường mất từ 3 cho đến 5 tháng mới xong, thậm chí một số dự án mất hơn 5 năm. Để khởi công một dự án hiện nay, nếu làm quy mô mà thực hiện theo trình tự như thế thì mất từ 6 đến 7 năm.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu từ nay đến năm 2035 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, như vậy không thể kịp. Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù rút ngắn thì không thể hoàn thành được.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Bên cạnh đó, việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại 2 thành phố là rất cần thiết, nội dung các quy hoạch của thành phố đã đủ điều kiện xác định sơ bộ về quy mô, hướng tuyến cũng như thông số cơ bản của dự án, nguồn vốn. Điều 4 của dự thảo nghị quyết đã có quy định đầy đủ để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn cho các dự án.
“Nội dung cần thiết của chủ trương đầu tư dự án đã được xác định, nên có đủ điều kiện để triển khai ngay công tác lập dự án đầu tư cũng như kết hợp với thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, đồng thời cũng quy định nội dung không thực hiện lập chủ trương đầu tư và cho phép thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở. Đây là một giải pháp đột phá”, theo ông Trần Hồng Minh.
Việc phân cấp cho địa phương để chủ động và rút ngắn trình tự phê duyệt theo đúng nguyên tắc các địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, qua đó rút ngắn thời gian.
Hiếu Minh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-tran-hong-minh-phai-day-nhanh-tien-do-du-an-duong-sat-post1155067.vov