Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Xây sân bay quốc tế tại Ninh Bình là cần thiết và chiến lược

Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Xây sân bay quốc tế tại Ninh Bình là cần thiết và chiến lược
3 giờ trướcBài gốc
Tỉnh Ninh Bình đề xuất xây sân bay
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình báo cáo những nét khái quát về tiềm năng, thế mạnh của địa phương sau hợp nhất. Theo đó, tỉnh Ninh Bình sở hữu tiềm năng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh (bên trái) cùng đoàn công tác làm việc với tỉnh Ninh Bình ngày 25/7.
Trong đó, ngành du lịch với không gian mở rộng và khả năng thu hút khách tăng cao. Nông nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm. Công nghiệp và dịch vụ phát triển với nguồn lực dồi dào và thị trường lớn hơn.
Không gian phát triển mới cho phép khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống vùng đất văn hiến và anh hùng. Khắc phục những giới hạn của đơn vị hành chính - lãnh thổ gắn với thực hiện tốt mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập sâu rộng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ, bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề xuất Bộ Xây dựng quan tâm, xem xét, báo cáo Chính phủ nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình; Cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Ninh Cơ và một số tuyến đường giao thông quan trọng đi qua địa bàn tỉnh.
Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình dự kiến được xây dựng tại phường Liêm Tuyền. Vị trí đề xuất có khoảng cách khá gần, tương đối thuận lợi để đi tới các đầu mối giao thông trọng yếu trong khu vực phía Bắc như các cảng hàng không, hệ thống ga trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và những trung tâm kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh.
Cảng được quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp 4E theo phân cấp của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) với 2 đường cất, hạ cánh, có thể khai thác máy bay B787, B777, A350... Tổng diện tích quy hoạch khoảng 720ha, công suất thiết kế ban đầu khoảng 10 triệu hành khách/năm (có dự trữ quỹ đất để mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển trong những giai đoạn tiếp theo).
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy đề xuất nhiều vấn đề quan trọng trong buổi làm việc giữa tỉnh Ninh Bình với Đoàn công tác của Bộ Xây dựng.
Cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Ninh Cơ nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định cũ. Cảng đã được đưa vào danh mục cảng biển quốc gia với vị trí tại khu bến Hải Thịnh – Cửa Đáy, thuộc nhóm cảng biển số 1 và được phân loại là cảng biển loại III.
Hiện nay, quy mô của cảng còn hạn chế, chỉ đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải dưới 3.000 tấn. Để đáp ứng mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình sau khi hợp nhất, phù hợp xu thế phát triển mới và nhu cầu xuất, nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường quốc tế, việc bổ sung một cảng biển có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc tế tại khu vực biển Ninh Bình là hết sức cần thiết.
Vì vậy, UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, xem xét và bổ sung Cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Ninh Cơ vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước và vùng nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy mô đề xuất bao gồm bến cảng chuyên dùng, bến cảng tổng hợp quốc tế và các bến cảng khác đến năm 2030 với công suất đạt khoảng 120 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; các bến nhập quặng tiếp nhận tàu trọng tải 300.000 DWT cập hai bên; bến LNG tiếp nhận tàu trọng tải 150.000 DWT; các bến hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải từ 20.000 - 70.000 DWT; bến tổng hợp và thiết bị tiếp nhận tàu trọng tải từ 30.000 - 50.000 DWT.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng những tuyến đường giao thông quan trọng đi qua địa bàn tỉnh từ ngân sách Trung ương gồm: Mở rộng tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng tuyến đường Vành đai 5 (CT.39) đoạn từ nút giao Thái Hà đến nút giao Phú Thứ; xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý - Nam Định (CT.11); bổ sung nút giao giữa Liêm Sơn - Cao Bồ và di chuyển, bố trí lại nút giao Cao Bồ - QL10…
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các tuyến giao thông trọng điểm không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của tỉnh và khu vực, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy liên kết vùng và liên vùng, tạo động lực cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và miền núi Tây Bắc Bộ.
Nghiên cứu kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả tối đa
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cơ bản ủng hộ đề xuất của tỉnh Ninh Bình về xây dựng Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình. Bộ trưởng cho rằng, lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, của tỉnh Ninh Bình rất phát triển với nhiều khu du lịch nổi tiếng như: Tràng An, Bái Đính, Tam Chúc, Đền Trần…
Hàng năm, lượng khách trong và ngoài nước đổ về Ninh Bình rất lớn. Nếu du khách từ các sân bay Nội Bài, Gia Bình xuống, từ sân bay Cát Bi sang hoặc từ sân bay Thọ Xuân, sân bay Vinh lên sẽ phải đi quãng đường khá xa. Vì thế, việc xây dựng sân bay, đặc biệt là sân bay tiêu chuẩn cấp 4E có thể đón máy bay lớn, là cần thiết, giúp hành khách, nhất là khách quốc tế, đi lại thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng làm việc với tỉnh Ninh Bình.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho rằng, tỉnh Ninh Bình phải có tầm nhìn xa, trông rộng để không chỉ phát triển kinh tế sân bay, mà còn hướng tới khai thác hệ thống hạ tầng, đất đai, thương mại dịch vụ xung quanh sân bay, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất nguồn lực đất đai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tỉnh cũng cần nghiên cứu cơ chế thu hút nhà đầu tư để tạo hiệu quả kinh tế cao hơn, môi trường sống tốt hơn.
Bộ trưởng lưu ý cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương nghiên cứu, xem xét các yếu tố an ninh quốc phòng, hướng gió, vùng trời khi triển khai nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch sân bay này.
Bộ trưởng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, báo cáo bổ sung quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, đánh giá toàn diện, hướng dẫn, tư vấn cho tỉnh Ninh Bình những nội dung cần thiết để tỉnh sớm hoàn thiện những công việc, nhiệm vụ cần thiết liên quan nội dung này.
Về việc xây dựng Cảng nước sâu tại khu kinh tế Ninh Cơ, Bộ trưởng Trần Hồng Minh thống nhất với đề xuất, nhất là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang trong nghiên cứu xây dựng cảng, quy hoạch để làm sao phát huy hiệu quả cao nhất dự án này. Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam hướng dẫn tỉnh Ninh Bình hoàn thiện nội dung liên quan.
Bộ trưởng lưu ý, ngoài cảng Ninh Cơ, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cần tư vấn cho tỉnh Ninh Bình những vị trí nào có thể phát triển được cảng nước sâu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển của địa phương bởi sau khi sáp nhập, kinh tế biển sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Bên cạnh kinh tế biển, địa phương cũng có lợi thế rất lớn trong phát triển giao thông đường thủy nội địa với một hệ thống sông ngòi dày đặc cùng nhiều bến, cảng thủy nội địa. Các sông này đều kết nối ra sông lớn, đổ vào biển.
Vì thế, tỉnh cần có kế hoạch nạo vét luồng lạch, xây dựng hệ thống cảng, bến thủy nội địa nhằm hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, dễ dàng kết nối đường thủy với đường bộ, đường biển, đường không và đường sắt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm tải cho giao thông đường bộ.
Việc nạo vét luồng lạch, xây dựng các bến, cảng thủy nội địa có thể thực hiện theo phương án xã hội hóa nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách. Tỉnh làm những việc thuộc khả năng, nếu không thì kêu gọi nhà đầu tư tư nhân. Không kêu gọi được mới ghi vào kế hoạch đầu tư công.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng cơ bản nhất trí với những đề xuất liên quan đầu tư xây dựng một số tuyến đường giao thông quan trọng qua địa bàn Ninh Bình. Đề nghị tỉnh có văn bản cụ thể, Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, xem xét trả lời từng nội dung, hỗ trợ địa phương theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông cho người dân và doanh nghiệp.
Riêng đề xuất mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bộ trưởng yêu cầu nhà đầu tư là Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để khởi công ngày 19/12.
Vị Thủy
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/bo-truong-tran-hong-minh-xay-san-bay-quoc-te-tai-ninh-binh-la-can-thiet-va-chien-luoc-192250725185957446.htm