Bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng khi xây dựng luật

Bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng khi xây dựng luật
7 giờ trướcBài gốc
Giảm mạnh số chương, điều so với hiện hành
Ngày 12/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ vềdự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật năm 2015).
Số điều giảm đi, rút khỏi luật là những quy định về nghị định, thông tư, thực hiện theo đúng quan điểm mới về xây dựng pháp luật là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, thông tư để chủ động điều hành.
Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hướng tới là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình; cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng.
"Trước đây, cơ quan trình làm 50-60% rồi đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải vào cuộc rất vất vả. Có luật, Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội phải ngồi 7-8 cuộc.
Tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật; không thể giao cho thứ trưởng, vụ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đúng theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Ông đề nghị rà soát kỹ lưỡng quy định nội dung ban hành nghị quyết của Chính phủ tại khoản 2 Điều 4, tránh trùng lặp nội dung khi ban hành nghị định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ xem xét thông qua trong 1 kỳ họp nhưng chỉ quy định chung theo hướng là tại kỳ họp sẽ thảo luận các ý kiến khác nhau.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh (Đoàn ĐBQH Cao Bằng) phát biểu thảo luận tại tổ ngày 12/2.
Góp ý tại tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh (Đoàn ĐBQH Cao Bằng) nhất trí cần ban hành hai luật trên nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo sự thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực, hiệu quả, tạo động lực mới cho sự phát triển nganh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, cần xây dựng luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng chú trọng đến tính bền vững, lâu dài, ổn định của luật, tránh tình trạng liên tục phải sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) đồng tình đưa ra khỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cấp xã, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, xem xét bổ sung quy định, chế tài về trách nhiệm của các đoàn đại biểu khi tham gia ý kiến về quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo luật, qua đó phát huy vai trò của các đại biểu.
Đồng thời, đại biểu cho rằng cần có quy định về tạm dừng, ngưng hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; Cân nhắc bổ sung thành lập ban soạn thảo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Làm rõ khái niệm "tham vấn chính sách" và "lấy/xin ý kiến"
Phát biểu trong phiên thảo luận của tổ 10, đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, so với luật hiện hành, điểm mới của dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là quy định về tham vấn chính sách. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ giữa vấn đề "tham vấn chính sách" và vấn đề "lấy/xin ý kiến".
Theo đại biểu Chiến, nếu không làm rõ hai vấn đề này thì sẽ gây khó khăn cho các cơ quan lấy ý kiến và các cơ quan được tham vấn.
Đại biểu Hoàng Hữu Chiến - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu tại tổ.
Theo quy định của luật hiện nay, chỉ được tham vấn các cơ quan như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ đối với chính sách.
Như vậy, muốn tham vấn rộng hơn, mở hơn lại không được. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ cũng là đối tượng xin ý kiến. Như vậy là vừa có văn bản xin ý kiến, vừa có văn bản tham vấn chính sách, do đó khó bảo đảm tính độc lập và minh bạch.
Nhấn mạnh "tham vấn" rộng hơn "lấy/xin ý kiến" và "lấy/xin ý kiến" chỉ là một bước trong quy trình xây dựng luật, đại biểu Hoàng Hữu Chiến nêu ví dụ, vấn đề điện hạt nhân có thể tham vấn cả quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về hạt nhân… thậm chí tham vấn đối với người dân.
Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "tham vấn" trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo Luật để bảo đảm tính độc lập, minh bạch, giúp ích cho các cơ quan xây dựng chính sách.
Về hình thức tham vấn chính sách, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ tham vấn bằng hội nghị rất là khó, vì vậy, đề nghị nên mở rộng hơn hình thức tham vấn.
"Chẳng hạn, không phải lúc nào chuyên gia quốc tế cũng có thể đến dự họp để tham vấn chính sách. Trong thời đại công nghệ thông tin, nên linh hoạt hơn về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách để đem lại hiệu quả tốt hơn.
Do đó, tại Điều 30 của dự thảo Luật quy định về lấy ý kiến, tham vấn chính sách, nên tách riêng vấn đề lấy ý kiến (gồm quy trình, thủ tục, đối tượng) cũng như vấn đề tham vấn chính sách vì đây là vấn đề mới, đồng thời nghiên cứu thêm về kỹ thuật lập pháp", đại biểu góp ý.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, mục đích, bản chất của tham vấn là tạo sự đồng thuận và quá trình tham vấn chính sách là quá trình liên tục, từ khi phát hiện thực tiễn, hình thành ý định về chính sách, đến khi hoạch định chính sách, bàn và thông qua chính sách, sau đó đưa ra luật về chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại tổ.
"Đối tượng tham vấn là cá nhân, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cả người dân. Quá trình lấy ý kiến người dân trên các cổng thông tin chính là quá trình tham vấn chính sách", Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh "lấy/xin ý kiến" các cơ quan là một quy trình của lập pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần phải rành mạch giữa tham vấn và xin ý kiến.
"Lúc nào xin ý kiến, lúc nào thẩm tra thì cần phải làm rõ. Cần phải tách bạch giữa tham vấn, xin ý kiến và quyền thẩm tra. Nếu không tách bạch rành mạch thì sẽ không đúng với bản chất của tham vấn", Phó chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Trang Trần
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-truong-nganh-phai-chiu-trach-nhiem-den-cung-khi-xay-dung-luat-192250212143722973.htm