Tổng thống Donald Trump
Báo cáo dài hơn 130 trang, được trình lên quốc hội cũng như được công bố vào sáng 14.1 sau khi lệnh tạm dừng công bố của tòa án hết hạn vào nửa đêm. Báo cáo nêu: “Như đã nêu trong cáo trạng ban đầu lẫn cáo trạng thay thế, dù thất cử rõ ràng và các biện pháp thách thức kết quả hợp pháp đều thất bại, Tổng thống Trump vẫn dùng đến một loại nỗ lực phạm tội để níu giữ quyền lực”.
Công tố viên Smith cùng đội ngũ điều tra nêu cụ thể loạt nỗ lực gồm gây áp lực với quan chức nhà nước, thực hiện kế hoạch gian lận phiếu bầu, gây áp lực với cấp phó Mike Pence và kích động lực lượng ủng hộ kéo đến Điện Capitol ngày 6.1.2021.
“Cho đến lúc Tổng thống Trump cản trở, tiến trình dân chủ này đã diễn ra một cách hòa bình và có trật tự trong hơn 130 năm”, báo cáo viết.
Khi nhắc đến nhiệm vụ điều tra, công tố viên Smith khẳng định văn phòng của ông chỉ tin vào sự kiện và luật pháp. Ông chấp nhận việc không thể truy tố Tổng thống Trump (một tổng thống đương nhiệm được hưởng quyền miễn truy tố).
Báo cáo mà công tố viên Smith đệ trình gồm 2 phần. Với sự phản đối từ phía Tổng thống Trump, Bộ trưởng Garland quyết định giữ kín phần kết quả điều tra về cáo buộc cất giữ tài liệu mật (các nhân vật lãnh đạo quốc hội được xem).
Công tố viên Smith được Bộ trưởng Garland bổ nhiệm để điều tra Tổng thống Trump vào tháng 11.2022, đến năm 2023 ông chính thức công bố 2 cáo trạng: Một cáo trạng về hành vi cất giữ tài liệu mật trái phép và một cáo trạng về âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Cả hai đều gặp phải nhiều trở ngại về pháp lý và nay đành khép lại. Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng để lại "di sản" là quyền miễn trừ truy tố với hành động công vụ của tổng thống Mỹ do tòa tối cao đưa ra.
Sau khi cuộc điều tra kết thúc, công tố viên Smith từ chức, còn văn phòng của ông đang trong quá trình giải thể.
Cẩm Bình