Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình
Chiều 27-5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), với nhiều nội dung cải cách mang tính đột phá.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, mục tiêu là tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, tạo điều kiện thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác đường sắt, đặc biệt trong bối cảnh đường sắt đô thị và tốc độ cao đang là ưu tiên phát triển.
Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo luật bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong đó có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).
Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung quy định địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đặc biệt, thủ tục đầu tư cũng được đơn giản hóa khi cho phép áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở, đồng thời UBND cấp tỉnh được phép quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị mà không cần thực hiện thủ tục về chủ trương đầu tư như trước.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, những sửa đổi này được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến metro tại Hà Nội, TP.HCM, góp phần hiện thực hóa Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển giao thông đô thị.
Bên cạnh đó, dự thảo luật mới cũng nhấn mạnh vai trò kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác.
Một điểm nhấn quan trọng nữa là so với Luật Đường sắt 2017, dự thảo Luật sửa đổi lần này đã cắt giảm 20% thủ tục hành chính và 33% điều kiện kinh doanh.
Thẩm tra về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị làm rõ thêm một số nội dung về kết nối vận tải, tiêu chí quy hoạch và chính sách khai thác quỹ đất ga đường sắt.
Cũng theo ông Huy, một số ý kiến thống nhất với Tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM vào năm 2035.
Tiến Hưng