Giữ hộ thiết bị giám sát để đổi… dầu
Đêm 27/3 vừa qua, trên vùng biển Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang), lực lượng Trạm Cảnh sát biển số 4 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4), phối hợp với Đồn Biên phòng Thổ Châu phát hiện một tàu cá không rõ số hiệu, cách đảo Hòn Xanh khoảng 150m.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên tàu có cất giữ 4 thiết bị giám sát hành trình (VMS) không thuộc về phương tiện này. Ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1979, quê Kiên Giang) - thuyển trưởng tàu thừa nhận giữ giúp thiết bị VMS của tàu cá khác để đổi lấy dầu chạy tàu.
Thiết bị giám sát hành trình được phát hiện trên tàu cá của ông Nguyễn Văn Hiếu.
Trước đó, ngày 17/10/2024, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 4 cũng phát hiện tàu cá số hiệu CM 08710-TS đang cất giữ 9 thiết bị VMS. Tại thời điểm kiểm tra, Trương Văn Sang và Huỳnh Văn Sơn (cùng trú tại Rạch Gốc, Cà Mau) và 10 ngư dân khác tham gia thuê tàu để cất giữ các thiết bị VMS của tàu cá khác nhằm thu lợi bất chính.
Vụ việc sau đó được khởi tố, tại phiên tòa tháng 2 vừa qua, TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt 12 bị cáo từ 3 - 10 năm tù, về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”. Đây được coi là vụ án điểm, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong xử lý vi phạm IUU.
Chủ động ngăn chặn từ khi tàu rời cảng
Triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã xây dựng kế hoạch hành động phòng chống khai thác IUU, tập trung vào các vùng biển giáp ranh Việt Nam – Malaysia – Thái Lan, khu vực DK, Thổ Châu, Bắc đảo Phú Quốc – những “điểm nóng” về khai thác IUU.
Đại tá Nguyễn Văn Tranh – Phó Tư lệnh Pháp luật Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, thời gian qua lực lượng của đơn vị đã phối hợp hiệu quả với các lực lượng, địa phương trong vùng tuyên truyền, điều tra, xử lý và ngăn chặn sớm vi phạm IUU ngay từ khi tàu cá rời cảng.
Công tác phối hợp hiệp đồng, chia sẻ thông tin, nắm tình hình giữa các lực lượng địa phương và Cảnh sát biển cũng được tăng cường nhằm điều tra, xác minh, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu khi phương tiện mất tín hiệu giám sát hành trình hoặc có dấu hiệu vượt ranh khai thác trái phép.
Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 trao đổi phối hợp với các lực lượng Công an, Biên phòng trong tuần tra, kiểm soát trên biển.
Được biết, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã duy trì lực lượng trực chiến 24/24, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu. Ngoài tàu của đơn vị còn có sự tham gia của tàu thuộc Vùng Cảnh sát biển 2, 3, Hải quân Vùng 2 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, vì mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và chống khai thác IUU.
Ông Phạm Quốc Sử – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau nhận định, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm IUU, đặc biệt là các vụ có tính chất phức tạp cao. Đơn vị cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành tỉnh Cà Mau trong chia sẻ thông tin, tuần tra kiểm soát, tăng cường truyền thông pháp luật đến ngư dân. Nhờ đó, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép trên vùng biển Tây Nam đã giảm thiểu rõ rệt.
Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp với Biên phòng Kiên Giang tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Đình Ngà.
Lực lượng Cảnh sát biển tuần tra, kiểm soát trên khu vực biển Tây Nam.
Số vụ vi phạm IUU giảm rõ rệt
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, trong quý I/2025, tình trạng tàu cá vi phạm IUU trên vùng biển Tây Nam đã giảm đáng kể, đặc biệt số tàu vượt ranh sang vùng biển nước ngoài.
Với đặc thù vùng biển Tây Nam có lưu lượng tàu thuyền lớn, giáp ranh với nhiều quốc gia, việc quản lý và kiểm soát không chỉ là trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Mỗi hành động nhỏ, mỗi cam kết từ ngư dân đều góp phần quan trọng trong nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC, hướng tới nền thủy sản phát triển bền vững, có trách nhiệm.
Nhật Huy