Theo một thông tin được Bloomberg News tiết lộ, Bộ Tư pháp Mỹ đang đề nghị lên tòa án để buộc Alphabet, công ty mẹ của Google, phải bán trình duyệt internet Chrome.
Theo báo cáo, Bộ Tư pháp Mỹ cũng sẽ yêu cầu thẩm phán – người từng ra phán quyết vào tháng 8 rằng Google nắm thế độc quyền bất hợp pháp trong thị trường tìm kiếm – áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với trí tuệ nhân tạo và hệ điều hành Android dành cho điện thoại thông minh.
Có ý nhiều ý kiến chỉ trích rằng Alphabet hiện kiểm soát cách người dùng truy cập internet và những quảng cáo mà họ nhìn thấy trên mạng, một phần thông qua trình duyệt Chrome.
Cùng với Google Search, Chrome có khả năng thu thập dữ liệu quan trọng, phục vụ mảng quảng cáo mang lại lợi nhuận cao cho Google. Ước tính, Chrome hiện chiếm khoảng hai phần ba thị trường trình duyệt toàn cầu.
Khi được Reuters liên hệ, Bộ Tư pháp Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin này.
Trong khi đó, bà Lee-Anne Mulholland, Phó Chủ tịch Phụ trách Các vấn đề Pháp lý của Google, cho biết trong một tuyên bố rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang thúc đẩy một chương trình nghị sự cực đoan, vượt xa các vấn đề pháp lý của sự việc và điều này sẽ gây hại tới người tiêu dùng.
Trên thực tế, một số chuyên gia đánh giá rằng động thái này là một trong những nỗ lực quyết liệt nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm kiềm chế sức mạnh và quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn như Alphabet.
Tuy nhiên, việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ có thể tạo ra nhiều thay đổi và tác động lớn đối với vụ việc. Hai tháng trước cuộc bầu cử, ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ truy tố Google vì cáo buộc có hành vi chống lại ông. Nhưng chỉ một tháng sau, ông Trump lại đặt câu hỏi liệu việc chia tách công ty có phải là ý hay hay không.
Google dự kiến sẽ kháng cáo sau khi Thẩm phán Amit Mehta đưa ra phán quyết cuối cùng, dự kiến vào tháng 8/2025. Trước đó, ông Amit Mehta lên kế hoạch tổ chức một phiên tòa vào tháng 4 để xem xét các đề xuất về biện pháp khắc phục.
Ban đầu, các công tố viên đã đề xuất nhiều biện pháp khắc phục tiềm năng, từ việc chấm dứt các thỏa thuận độc quyền, nơi Google chi hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên thiết bị của Apple Inc và một số công ty khác, cho đến việc buộc Google bán bớt các bộ phận kinh doanh như Chrome và hệ điều hành Android.
Do thị phần lớn của Chrome, đây được xem là nguồn doanh thu quan trọng đối với Google. Đồng thời, khi người dùng đăng nhập vào Chrome bằng tài khoản Google, công ty có thể cung cấp các quảng cáo chính xác hơn.
Google lập luận rằng công cụ tìm kiếm của họ thu hút người dùng nhờ chất lượng vượt trội, đồng thời nhấn mạnh rằng công ty vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Amazon và vô số nền tảng khác. Đại diện của Google cũng lưu ý rằng người dùng hoàn toàn có thể lựa chọn và cài đặt các công cụ tìm kiếm khác làm mặc định.
Theo Bloomberg, chính phủ Mỹ có thể quyết định liệu việc bán Chrome có cần thiết hay không vào một thời điểm khác nếu những biện pháp khắc phục giúp tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng hơn.
An Duy