Làm thủ tục hộ tịch cho người dân tại TP. Long Xuyên
Chưa cần thiết sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam
Theo cử tri, Điều 11, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), trong các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam không có căn cước công dân (CCCD). Trong khi đó, Quyết định 1024/QĐ-BTP, ngày 8/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực quốc tịch), thành phần hồ sơ chứng minh quốc tịch Việt Nam, gồm: “Bản sao giấy chứng minh nhân dân (CMND), hộ chiếu và các giấy tờ có giá trị thay thế”. Do chưa thống nhất nội dung này, cử tri đề nghị bổ sung, sửa đổi theo hướng: “Bản sao giấy CMND, CCCD, hộ chiếu và các giấy tờ có giá trị thay thế”.
Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Quyết định 2114/QĐ-TTg, ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, đơn vị đề nghị bộ, ngành liên quan (trong đó có Bộ Ngoại giao) và địa phương báo cáo kết quả triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngày 30/12/2022, Bộ Tư pháp trình Chính phủ kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Quốc tịch. Theo đó, pháp luật về quốc tịch đến nay đã thể chế hóa định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phù hợp Hiến pháp 2013, điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên. Vì vậy, pháp luật về quốc tịch cơ bản bảo đảm quyền có quốc tịch Việt Nam/giữ quốc tịch Việt Nam cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết các việc về quốc tịch. Trước mắt, chưa cần thiết sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo Khoản 3, Điều 156, Luật Ban hành văn bản năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng 1 cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng 1 vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Do đó, CCCD được coi là giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (thay thế CMND).
Sổ hộ tịch được lưu trữ vĩnh viễn
Khi cơ sở dữ liệu điện tử đang dần hoàn thiện, cử tri đề nghị Bộ Tư pháp sửa Luật Hộ tịch theo hướng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng và bãi bỏ quy định mang tính thủ công (ghi và lưu trữ sổ hộ tịch, ký sổ hộ tịch...), cho trích xuất dữ liệu đăng ký hộ tịch từ phần mềm dùng chung để in và lưu, nhằm giảm tải cho công chức hộ tịch; đảm bảo tính chính xác, thống nhất giữa dữ liệu hộ tịch điện tử và dữ liệu hộ tịch lưu trên sổ giấy.
Sổ hộ tịch là sổ giấy được lập, lưu giữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận hoặc ghi sự kiện hộ tịch quy định; là căn cứ pháp lý để lập, cập nhật, điều chỉnh thông tin hộ tịch của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; sổ hộ tịch được lưu giữ vĩnh viễn theo quy định của pháp luật. Hầu hết các việc liên quan đến hộ tịch, người có yêu cầu phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch để ký vào sổ hộ tịch, nhận kết quả (khai sinh, kết hôn; giám hộ; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử). Vì vậy, việc lưu trữ sổ hộ tịch là bắt buộc. Công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm ghi đầy đủ, chính xác thông tin đăng ký hộ tịch của công dân vào sổ hộ tịch. Việc bãi bỏ quy định ký sổ khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch đối với một số loại việc đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật trong thời gian tới.
Tương tự, cử tri đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn việc số hóa đối với trường hợp sổ đăng ký khai sinh không còn lưu trữ (nhưng vẫn còn bản chính giấy khai sinh) vào Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Tư pháp, để có thể cấp bản sao cho công dân.
Theo Bộ Tư pháp, việc số hóa sổ hộ tịch (Nghị định 87/2020/NĐ-CP, ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến), chỉ được thực hiện đối với sổ hộ tịch đang được lưu trữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Do đó, trường hợp người dân còn bản chính giấy tờ hộ tịch nhưng không còn sổ, thì không thực hiện số hóa giấy tờ hộ tịch.
Khoản 1, Điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/2/20215 (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch) quy định: “Cấp bản sao từ sổ gốc là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc”. Như vậy, trường hợp người dân có yêu cầu cấp bản sao giấy khai sinh mà sổ đăng ký khai sinh không còn lưu trữ, nhưng vẫn còn bản chính giấy khai sinh, thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết; hướng dẫn công dân làm thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Về cấp số định danh cá nhân
Cử tri đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp Bộ Công an cấp số định danh cá nhân, đặc biệt là đối với trường hợp đã được số hóa dữ liệu hộ tịch; trường hợp thực hiện cải chính, thay đổi bổ sung thông tin hộ tịch trên hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch, lưu thông tin lịch sử cư trú của công dân để biết được toàn bộ quá trình cư trú của người đó, giúp cơ quan đăng ký hộ tịch kịp thời giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công tác hộ tịch tại địa phương.
Ý kiến này Bộ Tư pháp đang ghi nhận. Hiện nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ. Cụ thể, Cơ sở dữ liệu hộ tịch cung cấp thông tin khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp số định danh cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch. Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp và Bộ Công an hoàn thành thử nghiệm dịch vụ khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân/CCCD/CMND của công dân; trao đổi, nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ đồng bộ thông tin giữa 2 cơ sở dữ liệu. Các đơn vị dự kiến cập nhật chức năng khai thác trên hệ thống chính thức để kiểm thử, đưa vào khai thác trong thời gian tới.
AN KHANG