Bộ tứ trụ cột để đất nước cất cánh

Bộ tứ trụ cột để đất nước cất cánh
3 giờ trướcBài gốc
Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước.
Tư duy phát triển mới của 4 Nghị quyết lớn
Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh VGP
Theo dõi sự kiện này và qua phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo chủ chốt, chúng ta có thể thấy một bức tranh toàn cảnh về những bước chuyển trong nhận thức, tư duy và hành động; một lời hiệu triệu cho một giai đoạn phát triển mới, dựa trên trí tuệ, đổi mới và khát vọng; thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia và còn truyền cảm hứng, tạo niềm tin và mở ra những chân trời mới cho tương lai đất nước.
Nhấn mạnh những thách thức nội tại và bên ngoài đang đan xen, tạo sức ép lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: "Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện".
Điểm đột phá chung của cả 4 Nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ "quản lý" sang "phục vụ", từ "bảo hộ" sang "cạnh tranh sáng tạo", từ "hội nhập bị động" sang "hội nhập chủ động", từ "cải cách phân tán" sang "đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc". Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Về tổ chức thực hiện, tất cả các nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức. Các trục triển khai như thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên, và đánh giá hiệu quả.
Nghị quyết 68 - Lệnh mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân
"Như nắng hạn gặp mưa rào" là lời của một lãnh đạo doanh nghiệp thốt lên khi được hỏi về Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Nhìn lại quá trình phát triển của khu vực tư nhân trong gần 40 năm đổi mới, từ khởi đầu, với cái nhìn dè dặt đối với kinh tế tư nhân cho đến những nút thắt được dần dần tháo gỡ. Thế nhưng, biến chuyển của thời cuộc đã khiến cho chiếc áo thể chế cho khu vực kinh tế này trở nên chật hẹp, ngăn trở sự phát triển, sự làm giàu cho bản thân cũng như đóng góp cho đất nước.
Lịch sử được mở ra khi kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, để những doanh nghiệp tư nhân có điều kiện trở lại vị trí xứng đáng, thay vì phải lo lắng giải quyết những vướng mắc, trong bối cảnh thương trường như chiến trường.
Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, đang tồn tại khá nhiều những vướng mắc từ quy định và thủ tục. Nhiều vướng mắc đã tồn tại nhiều năm và quá trình kiến nghị sửa đổi rất vất vả mà chưa đặt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, với sự ra đời của Nghị quyết 68, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào những thay đổi to lớn.
Nghị quyết 68 như lệnh mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân
Nghị quyết 68 như lệnh mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng để phát huy hiệu quả thực chất đối với doanh nghiệp và doanh nhân, quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Nhiều nội dung của Nghị quyết được cụ thể hóa thành các quy định, và thực hiện phải bằng cái tâm của mỗi người.
Để có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, sẽ cần nhiều yếu tố như là nỗ lực từ phía chính quyền, cũng như sự cố gắng của từng doanh nghiệp. Ở đây cũng cần phải nhắc tới vai trò của khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, bộ tứ Nghị quyết có liên kết chặt chẽ với nhau. Ví dụ như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và các đại biểu thăm các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân - Ảnh: VGP
Nghị quyết 57 còn mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều, khi mà thực tiễn các nước chứng minh, muốn trở thành quốc gia phát triển thì khoa học, công nghệ luôn là thành tố có vai trò quan trọng, quyết định. Do đó, đây là con đường duy nhất để giúp Việt Nam tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới.
Đưa thể chế pháp luật là động lực, nền tảng cho phát triển đất nước
Bên cạnh các Nghị quyết 68, Nghị quyết 57 thì Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật cũng là một trụ cột rất quan trọng. Bởi vì sao, bởi Nghị quyết nhằm giải quyết những vướng mắc trong thể chế, một trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay cùng với hạ tầng và nhân lực. Thậm chí thể chế còn được coi là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".
Chính vì vậy mà lần này, Đảng ta đã rất quyết tâm tháo gỡ, để thể chế pháp lý không phải là sợi dây do chúng ta tạo ra để trói chính chúng ta, mà giúp giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, tận dụng mọi cơ hội phát triển.
Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ. Nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm về Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được cử tri, nhân dân đồng tình đánh giá cao.
Nghị quyết 66 nêu quan điểm mới đó là: Quốc hội sẽ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc trong các Luật, Nghị quyết còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao bởi nó sẽ giúp khắc phục một số bật cập lâu nay.
Các ý kiến đánh giá cao quan điểm trong Nghị quyết 66 đó là thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Mới đây Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đây là một bước đi quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa những quan điểm mới nêu trong Nghị quyết 66. Để đưa thể chế pháp luật là động lực, là nền tảng cho phát triển đất nước, loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra.
Trụ cột cuối trong bộ tứ trụ cột, đó là Nghị quyết 59 về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới". Có thể nói, cho tới nay, công cuộc hội nhập quốc tế của chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu.
Trong những thời điểm lịch sử, cần những quyết sách lịch sử. Với bộ tứ trụ cột gồm 4 Nghị quyết, có thể cảm nhận được quyết tâm để tạo ra những đột phá rất quan trọng thời gian tới.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Còn Quốc hội cũng đã thông qua các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những bước đi rất chủ động nhằm sớm đưa những quyết sách lịch sử vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì rất cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Bởi có đồng sức, đồng lòng, thì đất nước mới có thể vươn lên, và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường mới có thể trở thành hiện thực.
Chương trình Tọa đàm "Bộ tứ trụ cột để đất nước cất cánh" đã cùng trao đổi sâu hơn về những trụ cột rất quan trọng này, những trụ cột là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển lớn lao với các khách mời: Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh; Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV); Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
Theo VTV.VN
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/11/201279/bo-tu-tru-cot-de-dat-nuoc-cat-canh.htm