Chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên.
Chùa Đọi Sơn có từ thời Lý, tên chữ là Diên Linh tự (chùa Diên Linh). Từ thời nhà Mạc cho đến nay, chùa có tên chữ Long Đọi Sơn Tự (chùa Long Đọi Sơn), tọa lạc trên đỉnh núi Đọi thuộc thôn Nhất Hà, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, nhân dân quen gọi là chùa Đọi.
Vốn là một Am nhỏ tồn tại trong thời gian từ thế kỷ X – XI, năm 1054, chùa được vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan cho mở mang xây dựng. Đời vua Lý Nhân Tông tiếp tục hưng công mở rộng và dựng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh (1118-1121) để trở thành Đại danh lam kiêm Hành cung, trung tâm Phật giáo của nước ta. Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh đứng vững được 3 thế kỷ, đến đầu thế kỷ XV, gặp cơn binh lửa, giặc Minh sang xâm lược đã phá hủy tháp. May mắn trong chùa còn lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, 6 pho tượng Kim Cương, tượng chim thần Kinnari thời Lý. Trải qua các thời Lê Sơ, Mạc, Nguyễn, chùa Đọi Sơn đã được khôi phục lại.
Lần tu bổ lớn nhất vào thời Nguyễn, quy mô chùa trên 100 gian lớn nhỏ, kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Tháng 3 năm 1947, chùa Đọi Sơn thêm một lần bị chiến tranh phá hủy. Sau năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền và nhân dân xã Đọi Sơn (cũ) đã tiến hành tu bổ, lần lớn nhất vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây. Năm 1992, chùa Đọi Sơn được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2018, chùa Đọi Sơn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Lối vào chùa Đọi.
Trải qua bao biến cố của lịch sử, dẫu chùa xưa tháp cũ không còn, nhưng kết quả khai quật khảo cổ tại chùa Đọi Sơn đã phát lộ những dấu tích kiến trúc với những lớp nền móng, kè đá cùng hàng ngàn cổ vật thời Lý như: gạch ngói, chân tảng, xà dầm, con giống... Đặc biệt, tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia cùng 6 pho tượng Kim Cương chạm khắc bằng đá nguyên khối là những đại diện tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc thời Lý. PGS,TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa cho biết: “Nếu các pho tượng ở chùa Phật Tích đã bị mất đầu thì Kim Cương ở chùa Đọi còn khá đầy đủ… Phục trang của tượng Long Đọi và cả của chùa Phật Tích đều mang hình thức võ tướng, được gọi là áo giáp “nhận nhục” nhằm chống “mũi tên” dục vọng.
Các pho Kim Cương thứ nhất, thứ hai và thứ ba.
Theo Bảo tàng Hà Nam, bộ tượng 6 pho Kim Cương chùa Đọi Sơn được chạm khắc theo phong cách tượng - phù điêu bằng loại đá sa thạch nguyên khối. Đây chính là 6 pho tượng còn lại trong bộ tượng Kim Cương gồm 8 vị, có hình dáng và kích thước tương tự nhau: đầu đội mũ trụ, mình mặc kim giáp, chân đi hia cao cổ, hai tay chống kiếm, tư thế đứng oai nghiêm, hộ trì Phật pháp. Mỗi tượng được tạo tác theo phong cách phù điêu trên khối đá hình chữ nhật có hai cạnh bên thẳng, cạnh dưới tạo bằng, cạnh trên được tạo vát xiên một góc 450.
Các pho Kim Cương thứ tư, thứ năm, thứ sáu.
Những pho Kim Cương chùa Đọi là hiện vật có giá trị đặc biệt, tiêu biểu cho một khuynh hướng, phong cách triều đại trong một giai đoạn lịch sử. Trải qua 900 năm, bộ tượng là hiện vật gốc độc bản, là một tác phẩm điêu khắc Phật giáo tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất và hoàn chỉnh nhất còn lại trong ngôi chùa thời Lý cho đến nay. Bảo vật còn chứa đựng nhiều thông điệp về giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam dưới triều đại này. Những tư tưởng và hoa văn trên tượng còn phản ánh mối quan hệ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hóa lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Chăm Pa trong lịch sử. PGS,TS Trần Lâm Biền khẳng định: “Tượng Kim Cương ở chùa Đọi có niên đại muộn hơn Kim Cương ở Phật tích khoảng nửa thế kỷ và ít nhiều cũng không còn nguyên dáng ở dạng đứng nữa, chi tiết trang trí trên áo cũng giảm bớt, nhưng đây vẫn là những pho tượng rất hiếm và lạ. Tuy nhiên, với các hoa cúc cách điệu mãn khai phối hợp cùng hổ phù, vân xoắn và các tua gù ở gấu áo đã tạo cho các pho tượng này có một giá trị tự thân đích thực (cả về nghệ thuật và yếu tố tâm linh)".
Điều được các nhà khoa học khẳng định cho đến nay: Bộ tượng cung cấp nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, tôn giáo, trang phục cổ, sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa giữa quốc gia Đại Việt thời Lý với các nền văn hóa lớn của khu vực trong lịch sử… góp phần vào việc khẳng định sự phát triển của xã hội đương thời.
Chu Uyên