Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị về tên gọi di sản sau sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị về tên gọi di sản sau sắp xếp đơn vị hành chính
17 ngày trướcBài gốc
Trong những năm qua, Bộ VH-TT&DL đã thường xuyên có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích).
Bộ VH-TT&DL đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Qua theo dõi thực tế, Bộ VH-TT&DL thấy bên cạnh việc nhiều tỉnh, TP trong cả nước đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn và của Bộ VH-TT&DL, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội về công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Vì vậy, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trên địa bàn tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Thực hiện hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương.
Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nào). Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích, phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, các nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, cần triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ VH-TT&DL, cơ quan chức năng của Bộ VH-TT&DL thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.
Đây là hoạt động nhằm triển khai các văn bản của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó giao Bộ VH-TT&DL hướng dẫn cụ thể việc xác định đơn vị hành chính có di sản được xếp hạng, công nhận.
Theo hướng dẫn, các đơn vị hành chính mới có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh/thành phố, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh hoặc nằm trong danh mục quốc gia... phải giữ nguyên tên gọi như đã được công nhận để đảm bảo không làm thay đổi yếu tố gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản.
Đồng thời, các địa danh gắn với di tích cần được cập nhật theo đơn vị hành chính mới sau sắp xếp. Việc rà soát cũng bao gồm điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của tổ chức, ban/trung tâm quản lý di tích.
Bộ VH-TT&DL yêu cầu đảm bảo có tổ chức hoặc người đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý, bảo vệ, trông nom di tích. Các địa phương cũng cần kiện toàn bộ máy quản lý, ban hành quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc cấp xã sau sắp xếp.
Ngoài ra, cần rà soát hồ sơ khoa học của các di tích, đặc biệt là biên bản và bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích có xác nhận của UBND cấp xã trước sắp xếp. Trường hợp hồ sơ không còn, phải sao y từ cơ quan quản lý cấp trên.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, cần giữ nguyên tên gọi, rà soát hồ sơ khoa học để thống nhất phạm vi phân bố và quản lý theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và Công ước 2003 của UNESCO.
Riêng với bảo vật Quốc gia, yêu cầu rà soát, điều chỉnh đơn vị hành chính nơi đang lưu giữ so với tên gọi trong Quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ VH-TT&DL đề nghị bổ sung đối tượng rà soát là các lễ hội truyền thống tổ chức tại di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hoặc di tích quốc gia đặc biệt, trừ các lễ hội đã được UNESCO ghi danh hoặc thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội truyền thống được phân loại theo hai cấp tỉnh và xã. Tùy cấp độ, địa phương thực hiện đăng ký, thông báo tổ chức theo quy định tại Nghị định 110/2018.
Bộ cũng yêu cầu giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia đã được công nhận và cập nhật địa danh theo đơn vị hành chính mới. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh tên gọi và địa chỉ của các tổ chức, ban quản lý khu du lịch có liên quan.
Đối với thủ tục công nhận khu du lịch cấp tỉnh, Bộ VH-TT&DL kiến nghị sửa đổi Luật Du lịch theo hướng: Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh.
Hoa Ngân
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bo-van-hoa-the-thao-va-du-lich-de-nghi-ve-ten-goi-di-san-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh.667943.html