Quang cảnh cuộc họp
Đồng chí Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam đã cùng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có đại diện các sở, ngành, TP Đà Lạt, đơn vị, doanh nghiệp dịch vụ văn hóa, du lịch.
Các đồng chí chủ trì cuộc họp
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2021 – 2025, Lâm Đồng đã được cấp tổng kinh phí 20,2 tỷ đồng; tổng kinh phí giải ngân 17,9 tỷ đồng; kinh phí hủy 1,4 tỷ đồng; tổng kinh phí còn chưa giải ngân 896 triệu đồng kéo dài sang năm 2025.
Cán bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch dự cuộc họp
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” nằm trong Chương trình, 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 74 bộ trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, buôn, xây dựng 47 tủ sách cộng đồng các xã tại 9/10 huyện, thành trong tỉnh (trừ Bảo Lộc); bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Phục dựng Lễ hội Nhô Phú (cầu mùa) tại xã Đưng K’Nớ - Lạc Dương; Lễ Nhô dơng (cầu mưa) tại xã Đạ Long - Đam Rông; xây dựng 3 mô hình Làng văn hóa truyền thống tại Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương; tổ chức các triển lãm, trưng bày bày giới thiệu văn hóa truyền thống; tham gia triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” nhân 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024), tham gia Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tham dự Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” tại Hà Tĩnh, xuất bản 3 cuốn sách: “Văn học dân gian Lâm Đồng - tập 1 - Truyện kể K’ho”, Người K’ho Lâm Đồng -Tiếp cận đa chiều, Văn học dân gian Lâm Đồng - tập 2 - Truyện kể dân tộc Mạ. Hỗ trợ 12 nghệ nhân ưu tú đào tạo bồi dưỡng lớp nghệ nhân cồng chiêng kế cận; tổ chức 23 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống; hỗ trợ trang phục, nhạc cụ cho 131 đội văn nghệ dân gian của các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các sở, ngành, doanh nghiệp dịch vụ văn hóa dự cuộc họp
Bên cạnh đó, 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư 51,4 tỷ đồng cho các dự án bảo tồn làng, bản truyền thống tiêu biểu; xây dựng thiết chế nhà văn hóa, khu thể thao thôn; xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Lãnh đạo TP Đà Lạt đóng góp ý kiến
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 bao gồm 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Chương trình cũng được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần. Với tổng kinh phí thực hiện 256.250 tỷ đồng, thực hiện trên phạm vi cả nước và một số quốc gia, trong thời gian 11 năm, chia làm 3 giai đoạn.
Lãnh đạo Sở Tài chính đóng góp ý kiến
Cụ thể 10 nội dung của Chương trình mục tiêu là: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt nam ra thế giới…
Công ty Nghệ thuật Số Bảy đóng góp ý kiến
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đề xuất nguồn kinh phí 5,9 tỷ đồng thực hiện các nội dung của Chương trình. Ngoài ra, Sở còn đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ để nâng cấp, bổ sung đầu tư các thiết chế văn hóa nghệ thuật, đảm bảo phục vụ cho một tỉnh Lâm Đồng rộng lớn sau sáp nhập. Cụ thể là bổ sung vốn đầu tư nâng cấp Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh xứng tầm; đầu tư nguồn lực cho Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt và Di tích Quốc gia đặc biệt Khu khảo cổ Cát Tiên để phát huy giá trị; đầu tư nâng cấp cơ sở dữ liệu về di sản và nghệ thuật để vừa bảo tồn, vừa lưu trữ, vừa phát huy các giá trị.
Chuyên gia văn hóa góp ý phát triển Thành phố Sáng tạo âm nhạc
Nhiều ý kiến của các đơn vị, sở, ngành đã tập trung vào các vấn đề về ứng dụng kỹ thuật số bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đầu tư cho phát triển văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các không gian sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, về việc đặt tên các phường mới của TP Đà Lạt sau khi sáp nhập để giữ thương hiệu Đà Lạt vì sự phát triển văn hóa, du lịch; lộ trình phát triển Đà Lạt – Thành phố Sáng tạo âm nhạc UNESCO…
Chuyên gia trình bày ý tưởng phát triển Đà Lạt - Thành phố Sáng tạo âm nhạc UNESCO
Phát biểu kết thúc cuộc họp, đồng chí Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lâm Đồng vinh dự được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chọn là nơi khảo sát để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp cùng các sở, ngành trao đổi, góp ý, bám sát thực tiễn, cùng tham mưu với UBND một cách chính xác để tranh thủ các nguồn lực triển khai Chương trình trong thời gian đạt hiệu quả cao.
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cuộc họp
Nguồn lực là yếu tố quan trọng để phát triển, mong muốn có thiết chế văn hóa tại sân vận động để thành khu liên hợp hoàn thiện. Sắp tới, quy hoạch 1 khu 300ha, như khu đô thị mới, tạo không gian phát triển mới, có quảng trường lớn, có không gian nhà hát, có học viện lớn để đáp ứng yêu cầu Thành phố Sáng tạo âm nhạc UNESCO. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu vừa bảo tồn những giá trị di sản Đà Lạt vừa phát triển.
Lâm Đồng luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
QUỲNH UYỂN