Theo VietNamNet, với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhiều ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng rất phổ biến khiến người tiêu dùng bị cuốn vào "ma trận" thông tin thiếu kiểm chứng. Việc quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm cũng khiến nhiều nghệ sĩ phải lên tiếng xin lỗi.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho rằng, thực tiễn mới đòi hỏi cần bổ sung sửa đổi Luật Quảng cáo. Trong quá trình sửa đổi luật, Bộ đã nhận nhiều đóng góp tâm huyết, bổ sung một số điều cụ thể để điều chỉnh hành vi người nổi tiếng, nghệ sĩ tham gia quảng cáo.
Theo đó, Luật Quảng cáo đang được sửa đổi, trong đó bổ sung quy định rõ trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo sản phẩm. Họ phải xác minh thông tin một cách minh bạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mình truyền tải.
Nhiều ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên không gian mạng. Ảnh: Tuổi trẻ
Dự kiến, trong nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, sẽ có các chế tài mạnh như cấm quảng cáo, hạn chế hoạt động nghệ thuật hoặc xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội với các cá nhân vi phạm.
Trước đó, Báo dẫn thông tin từ NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết, anh cũng có biết thông tin nghệ sĩ bị nhắc tên trong một số quảng cáo sữa giả thời gian vừa qua.
Theo Xuân Bắc, nghệ sĩ hay bất kỳ cá nhân nào có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, trước hết phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân. Việc nghệ sĩ, người nổi tiếng sử dụng sự tin tưởng và chú ý của công chúng để lan tỏa những giá trị tích cực, những điều tốt đẹp trong xã hội là một điều đáng trân trọng. Nếu họ giới thiệu những sản phẩm đã sử dụng, có trải nghiệm tốt và muốn chia sẻ đến cộng đồng thì nên khuyến khích.
"Tuy nhiên, đối với những trường hợp lợi dụng sự nổi tiếng để cố tình quảng cáo sai sự thật, thổi phồng quá mức công dụng của sản phẩm, chúng ta cần làm rõ họ đã vi phạm những quy định nào, mức độ vi phạm ra sao và những hành vi đó gây ra tác động tiêu cực thế nào đến cộng đồng và xã hội, để có những biện pháp xử lý phù hợp", NSND Xuân Bắc nói.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết thêm, pháp luật không cấm nghệ sĩ sử dụng hình ảnh trong hoạt động quảng bá thương mại. Tuy nhiên, mọi hoạt động phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, đảm bảo tính chính xác của thông tin, đồng thời vẫn duy trì hiệu quả thị trường cho nhãn hàng và mang lại những giá trị thù lao xứng đáng cho người nghệ sĩ.
NSND Xuân Bắc cũng cho biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây) cũng đã có những bộ quy tắc ứng xử với người hoạt động nghệ thuật, quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tham mưu với Bộ để có quy định ràng buộc, điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức với những người hoạt động nghệ thuật. Từ đó, giúp nghệ sĩ có nhận thức về chính trị, xã hội, là những người có trách nhiệm công dân cao, lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Phương Uyên (T/H)