Bỏ việc, đùm cơm đi học cùng con: Chuyện không lạ ở Đất Mũi

Bỏ việc, đùm cơm đi học cùng con: Chuyện không lạ ở Đất Mũi
3 giờ trướcBài gốc
Gian nan vượt sông đến trường
Đến điểm Trường Tiểu học 1 xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) vào buổi sáng sớm, không khó để thấy các nhóm phụ huynh tụ tập tán gẫu đốt thời gian chờ con tan học để đón về. Bà Võ Thị Thu (60 tuổi, ấp Xẻo Ngay, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển) cho biết, hằng ngày bà phải dậy từ rất sớm chuẩn bị đưa 3 đứa cháu (đứa học lớp 2 và 2 đứa học lớp 4) đi học bằng xuồng, rồi đợi ở trường tới chiều cháu tan học rước về.
Nhà nghèo, lại có đứa con tật nguyền, nên toàn bộ kinh tế gia đình dựa duy nhất vào thu nhập của đứa con đi làm thuê ở huyện Năm Căn. Bà Thu bảo, lớn tuổi không biết chạy xe máy, và có muốn đi xe máy cũng phải lội bộ khoảng 1km từ nhà mới tới được đường cho xe chạy được, nên đưa các cháu đi học bằng xuồng đến trường cho tiện.
Phụ huynh đưa con đến trường bằng xuồng từ tờ mờ sáng.
Bà Thu nhẩm tính, riêng tiền ăn uống cho bà và 3 cháu, tiền xăng tốn khoảng 200.000 đồng/ngày. Hồi chưa có quán xá gần trường, bà Thu sáng nào cũng dậy sớm chuẩn bị thức ăn đợi cháu tan giờ học sáng ra ăn trưa cùng. Rồi bà mắc võng dưới tán cây nằm chờ tới chiều các cháu tan học. Có khi mưa gió bà vào trú tạm nhà dân xung quanh.
Những năm gần đây, hàng quán mọc lên nhiều, nhưng bà Thu vẫn mang cơm nhà đi, hoặc có khi nhịn chờ chiều về nhà mới ăn, ít tiền lẻ cho các cháu mua quà vặt cho bằng bạn, bằng bè.
“Ở đây học sinh đi học khó khăn lắm chú ơi. Buổi sáng nước còn lớn, các cháu lên được cầu để vào trường không dính bẩn, chiều nước rút sát đáy sông, nhiều đứa phải lội bùn để xuống xuồng, nên sình bám đầy quần áo, có đứa nhỏ phải cõng mới xuống được xuồng. Hôm trời mưa thì tới lớp được đứa nào cũng ướt nhẹp. Tội nghiệp lắm", bà Thu nói và chỉ tay về phía cây cầu phụ huynh bắt tạm cho học sinh lên xuống xuồng.
Vùng Đất Mũi với đặc thù sông ngòi chằng chịt, ghe xuồng vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân, nên chuyện đi học nơi đây cũng lắm gian truân, vất vả. Hầu như, trường nào cũng có học sinh được đưa tới lớp bằng phương tiện thủy, có em được gia đình thuê đò chuyên đưa rước, có em gia đình phải cắt cử người lớn đưa đón bằng xuồng hằng ngày đến trường.
Nhiều phụ huynh đợi con từ sáng đến chiều bên quán nước gần cổng trường.
Ở vùng cuối đất liền này, chỉ riêng chi phí để đưa đón con đi học đã ngốn mất khoảng 4 triệu đồng/tháng, nên phần lớn tụi nhỏ ở những xóm, ấp có địa hình trắc trở chỉ học tới lớp 7, 8, hiếm có em gia đình đủ sức cho học tới cấp 3. Cũng vì học sinh cấp 3 ít, học hết lớp 12 lại càng ít hơn, nhiều năm qua, Hội đồng thi tỉnh Cà Mau không thành lập điểm thi tốt nghiệp THPT tại huyện Ngọc Hiển, các em được ghép với cụm thi các huyện lân cận.
Muốn con học biết chữ để nuôi thân
Cạnh các điểm trường có vài quán kinh doanh dịch vụ ăn, uống, có mắc võng cho khách nằm nghỉ ngơi. Những quán này thường đông khách vào buổi trưa, chủ yếu là phụ huynh học sinh đưa con đến trường ở lại chờ đón về. Cũng đang ngồi đợi rước cháu tan học, bà Nguyễn Thị Đẹp (60 tuổi, ấp Xóm Mới, xã Viên An Đông) cho biết, bà đưa cháu đi học bằng xuồng đến nay đã được 6 năm.
Hằng ngày, từ 2 – 3h sáng bà thức vót đũa để khi đưa cháu đi học rồi đem giao cho khách kiếm “đồng ra, đồng vô”, tới 5h lại chuẩn bị cho 3 đứa cháu (đứa nhỏ mẫu giáo, đứa lớp 3 và lớp 6) đi học. “Ngày nào cũng tầm 16h -17h chiều mấy bà cháu mới về tới nhà. Hôm nào xuồng chết máy mấy bà cháu thay nhau bơi tay trời tối mới tới nhà. Tốn kém, cực khổ nhưng cũng gắng để cho các cháu học, không để chúng không biết chữ”, bà Đẹp nói.
Trên tay đang bồng cháu bé hơn 1 tuổi, chị Nguyễn Thị Vẹn (ấp Cái Mòi, xã Đất Mũi) cho biết, 3 con của chị đang theo học tại Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi. Từ nhà chị đến trường đi vỏ máy hơn 30 phút. Nếu cho các con đi đò phải mất phí từ 50 - 60 nghìn đồng/ngày, nên chị tự chở các con đi học để tiết kiệm tiền.
“Do các con học 2 buổi nên sáng đưa, rồi ngồi đợi tới chiều con tan học rước về luôn, chứ mỗi buổi mỗi đưa, rước tốn kém thời gian, chi phí lắm. Lúc trước tôi còn mò cua, bắt ốc, làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập, giờ đi với con cả ngày công ăn việc làm xem như bỏ hết cũng phải chịu. Mình đã nghèo, không biết chữ nên chỉ muốn con học biết chữ, sau này nuôi thân”, chị Vẹn tâm sự.
Cô Đàm Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 xã Tân Ân Tây xuống công tác ở vùng Đất Mũi từ năm 1994, cô thấu hiểu hết về đời sống, những khó khăn, vất vả của các em học sinh và gia đình để đến trường. “Trước đây, huyện Ngọc Hiển chủ yếu giao thông thủy, khoảng 98% học sinh đi học bằng xuồng, đò. Phải đến năm 2017, đường bộ mới phát triển, nhưng còn rất khó khăn, nhiều vùng chưa có đường tới nhà”, cô Hà chia sẻ.
Việc lên xuống xuồng của học sinh gặp nhiều khó khăn lúc thủy triều lên, xuống.
Theo cô Hà, năm học này nhà trường có 321 học sinh (1 điểm chính, 1 điểm lẻ), trong đó hơn 100 em đi học bằng xuồng, đò. “Đi học bằng phương tiện thủy lúc nước ròng rất vất vả, có em nhà xa phải đi khoảng 15 – 16 cây số, phụ huynh ở lại chờ con cháu tan trường rước về. Ở đây thường xuyên có tình trạng học sinh đến trường muộn, vắng học do trễ đò hoặc xuồng gia đình bị hỏng máy, nhất là tại các điểm trường lẻ”, cô Hà cho hay.
Ngay đầu năm học, Trường Tiểu học 1 cũng vận động mạnh thường quân, phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục có cơ hội tới trường. Các thầy cô, công đoàn trường cũng tạo mọi điều kiện để các em được đến trường, không bỏ học giữa chừng.
Thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển cho thấy, năm học 2023 – 2024, toàn huyện có 1.624 học sinh đi học bằng đò, xuồng. Ngay từ đầu năm học, các trường đã rà soát, tổng hợp học sinh khó khăn, đặc biệt trong việc đi lại để vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm, tổ chức hỗ trợ; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức cho học sinh, phụ huynh về an toàn giao thông thủy.
Tân Lộc
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/bo-viec-dum-com-di-hoc-cung-con-chuyen-khong-la-o-dat-mui-post1693191.tpo