Bỏ việc lương tiền tỉ để khởi nghiệp, 10 năm sau thành 'đại gia'

Bỏ việc lương tiền tỉ để khởi nghiệp, 10 năm sau thành 'đại gia'
3 ngày trướcBài gốc
Cãi cha mẹ, bỏ việc lương tiền tỉ về quê trồng cây
Khởi nghiệp vốn dĩ là một chặng đường đầy gian nan, đặc biệt là khi bạn bỏ một công việc lương cao để bắt đầu một sự nghiệp chưa có tương lai rõ ràng. Với Đỗ Trung Nguyên, một chàng trai đến từ Lâm Khẩu (Hắc Long Giang, Trung Quốc), hành trình này còn khó khăn hơn gấp bội khi vấp phải sự phản đối của cha ruột.
Anh Nguyên vốn dĩ đã có một công việc ở thành phố với thu nhập hàng năm lên đến 300 - 400.000 NDT (1 - 1,3 tỉ đồng). Nhưng trong một dịp về quê thăm họ hàng, nhìn thấy những vùng đất hoang rộng lớn ở quê hương, anh luôn muốn làm gì đó để những mảnh đất này không bị lãng phí.
Một người hàng xóm đã gợi ý anh cân nhắc trồng cây hắc mai biển. Loại cây này toàn thân đều là “báu vật”, cho quả dùng làm thực phẩm và thậm chí có thể dùng làm thuốc. Quan trọng hơn, hắc mai biển có hệ thống rễ phát triển tốt, khả năng chịu hạn tốt nên có thể phát triển và tồn tại ngay cả trong môi trường cằn cỗi.
Bất chấp sự phản đối từ cha và vợ, anh Nguyên lặng lẽ mua cây giống và bắt đầu trồng thử. Ban đầu, hễ thấy anh trồng cây nào, cha anh sẽ ngay lập tức nhổ bỏ cây đó. Bởi trước đây, người dân địa phương cũng từng trồng hắc mai biển nhưng đều thất bại.
Tuy nhiên, sự phản đối từ cha không khiến chàng trai trẻ nản chí. Anh vẫn kiên trì với ước mơ của mình, cho đến khi cha anh ngừng ngăn cản và quyết định hỗ trợ con trai.
Tuy nhiên, đợt hắc mai biển đầu tiên mãi không chịu ra quả, dù anh đã chờ đợi suốt 4 năm. Sau khi nhờ chuyên gia lâm nghiệp tư vấn, anh mới biết được cây hắc mai biển chia làm 2 loại: cây đực và cây cái. Chỉ cây cái mới có thể cho ra quả. Trong khi đó, hơn 70% cây giống anh mua đợt đầu là cây đực.
Sau khi biết được nguyên nhân, anh bắt đầu dồn tiền để mua lại đợt cây giống mới. Anh thậm chí đã bán nhà và chuyển nhượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của mình để lấy vốn khởi nghiệp, bất chấp sự phản đối từ người vợ.
Năm 2011, anh đã gom hơn 2 triệu NDT (6,8 tỉ đồng) và thuê hơn 2.400 mẫu đất ở địa phương để trồng hắc mai biển. Mỗi năm, anh còn mở rộng thêm diện tích trồng. Chỉ trong chớp mắt, đến tháng 9-10 năm 2013, những cây hắc mai biển do anh Nguyên trồng đã vào mùa quả chín. Tuy nhiên lúc này, anh lại vấp phải một trở ngại khác.
Muôn trùng “kiếp nạn” trồng hắc mai biển
Việc hái hắc mai biển rất khó vì cây có nhiều gai. Người hái phải cắt các cành, sau đó vận chuyển vào kho lạnh rồi dùng cây gỗ nhỏ đập vào cành để quả rụng xuống. Tuy nhiên phương pháp này rất tốn kém và nhiều nhân công không muốn làm.
May mắn thay vào tháng 10 cùng năm, khi quê nhà của anh Nguyên có một đợt lạnh kéo dài và tuyết rơi dày đặc, anh đã phát hiện ra một cách thu hoạch hắc mai biển đơn giản lại hiệu quả. Những quả hắc mai biển trên cây đã bị đông cứng, chỉ cần chạm vào là chúng sẽ rụng xuống. Khi dùng cây gỗ nhỏ đập vào thân cây, quả trên cây sẽ lần lượt rụng xuống.
Bằng cách này, một người có thể thu hoạch một cây hắc mai biển chỉ trong vài chục giây. Nhờ vậy, chi phí thu hoạch hắc mai biển đã được cắt giảm tối đa. Ngoài ra, quả cũng có thể tránh bị hư hại.
Anh Nguyên cũng phát hiện ra, chỉ khi thời tiết đủ lạnh, nhiệt độ ban đêm đạt dưới âm 30 độ C, quả hắc mai biển mới có thể đông cứng trọn vẹn, giúp giữ nguyên hình dạng, độ bóng hoàn hảo cho từng quả.
Những quả hắc mai biển đông lạnh sau đó có thể đóng trực tiếp vào bao và vận chuyển xuống núi, sau đó có thể được sàng lọc và lưu trữ để bán.
Thế nhưng, anh Nguyên vẫn chưa hài lòng với kết quả này. Bởi với người trồng hắc mai biển, họ luôn nằm ở thế bị động vì giá mua do thương lái kiểm soát. Vì vậy, anh đã tìm cách phát triển thêm nhiều sản phẩm khác từ quả hắc mai biển.
Năm 2018, anh Nguyên đã nhập về dây chuyển sản xuất nước ép hắc mai biển từ nước ngoài, sau đó hợp tác với các nhà hàng và khách sạn ở địa phương. Trước đây, quả hắc mai biển chỉ có thể bán với giá 6 NDT (20.000đ)/kg, nhưng bây giờ một lon nước ép hắc mai biển có thể bán với giá 18 NDT (61.000đ).
Thậm chí, anh Nguyên còn phát triển loại trà làm từ hắc mai biển và nhiều sản phẩm độc đáo khác. Năm 2020, doanh thu của anh đã đạt hơn 20 triệu NDT (67,9 tỉ đồng). Tại quê hương Lâm Khẩu, hơn 1.000 nông dân cũng đã nối bước anh Nguyên trồng hắc mai biển. Tại đây, hắc mai biển được người dân ưu ái gọi là “cây phú quý”.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/cai-cha-me-bo-viec-tien-ti-de-khoi-nghiep-10-nam-sau-thanh-sieu-dai-gia-204242912030906535.htm