Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 100.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2025

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 100.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2025
5 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ Xây dựng, trong Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp" đã đặt mục tiêu năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phát triển 130.000 căn.
Dù nỗ lực triển khai đề án, có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, song những kết quả về phát triển nhà ở xã hội trong năm qua chưa đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, cả nước mới chỉ hoàn thành được 21.000 căn, tương ứng hơn 16% kế hoạch.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 580.100 căn.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 96 dự án với quy mô hơn 57.600 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô hơn 110.200 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án với quy mô hơn 412.200 căn.
Trong năm 2025, Bộ Xây dựng đề ra kế hoạch, nhiệm vụ hoàn thành số lượng căn hộ nhà ở xã hội ước tính trên 100.000 căn. (Ảnh: ST)
Trong năm 2025, Bộ Xây dựng đề ra kế hoạch, nhiệm vụ hoàn thành số lượng căn hộ nhà ở xã hội ước tính trên 100.000 căn.
Việc thực hiện gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho loại hình nhà ở xã hội cũng rất hạn chế. Đến nay mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Trong đó, mới có 16 dự án ký hợp đồng tín dụng cho vay với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.
Trước đó, trong một báo cáo gửi Thủ tướng vào tháng 9/2024, Bộ Xây dựng cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội tại hai đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TP.HCM còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu dù nhu cầu rất lớn. Một số địa phương có nhu cầu về nhà xã hội nhưng chưa rõ kế hoạch triển khai tới đâu như Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Cà Mau... Trong số này, nhiều địa phương cũng chưa có dự án nào khởi công.
Bên cạnh khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng cho biết, ngành Xây dựng hiện nay đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù tăng trưởng ngành năm 2024 là động lực chính cho tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công.
Việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ còn có một số nhiệm vụ chậm theo tiến độ được giao, một số nhiệm vụ xin lùi, rút khỏi chương trình; hệ thống định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm hoàn thiện, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán còn nhiều hồ sơ chưa đảm bảo thời gian quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế; việc kiểm soát quy trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ tại một số địa phương chưa chặt chẽ; công tác quản lý đô thị có nơi còn chưa chuyên nghiệp; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Trước thực trạng này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 130 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội.
Thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.
Về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà lưu trú công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân.
Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Định Trần
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/bo-xay-dung-dat-muc-tieu-hoan-thanh-100000-can-ho-nha-o-xa-hoi-trong-nam-2025-post325883.html