Căn hộ, đất nền tại Hà Nội liên tục tăng giá từ đầu năm đến nay. Ảnh: Nam Khánh.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản phân tích cơ cấu giá thành, giá bán và nguyên nhân tăng giá bất động sản gửi Văn phòng Chính phủ. Theo Bộ này, giá bất động sản, nhà ở thương mại tại một số đô thị tăng cao trong thời gian gần đây, một phần lý do đến từ hiện tượng đầu cơ của các hội, nhóm, cá nhân.
Để hạn chế tình trạng đầu cơ đồng thời ổn định thị trường, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng.
Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay, đặc biệt ở phân khúc chung cư, nhà ở riêng lẻ.
Theo công văn Bộ Xây dựng gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đây, Bộ đánh giá sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro.
Chẳng hạn một số nhà đầu tư, môi giới bất động sản tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá lên cao để lợi dụng trục lợi. Bộ cũng chỉ rõ tại Hà Nội xảy ra tình trạng giá căn hộ chung cư thuộc một số khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức... tăng cao bất thường so với tình hình thị trường và nhu cầu của người dân.
Thực tế, đây không phải lần đầu giải pháp đánh thuế bất động sản thứ hai được nêu nhằm hạ giá nhà. Mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế đối với bất động sản thứ hai trở lên và bất động sản bỏ hoang, không sử dụng. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
Tháng 8/2023, cử tri TP.HCM cũng đề nghị đánh thuế với nhà thứ hai và áp thuế cao hơn với nhà đất bỏ trống, không thu được giá trị từ đất.
Bộ Tài chính cho biết đã nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, dự kiến bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 tới). Hiện các đề xuất này vẫn dừng lại ở dự kiến.
Thủy Tiên