Bộ Xây dựng vừa gửi hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm đầu tư phát triển hệ thống đường sắt tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo đó, tổng kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt quốc gia và đô thị tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ước tính lên tới hơn 5,5 triệu tỷ đồng.
Bộ Xây dựng dự tính kinh phí để đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt quốc gia - Ảnh minh họa
Cụ thể, theo tính toán của Bộ Xây dựng, tổng vốn đầu tư cho các dự án đường sắt quốc gia dự kiến khoảng 2.260.000 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 3.250.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hơn 509.600 tỷ đồng, ngân sách TP. Hà Nội bố trí khoảng 1.170.250 tỷ đồng, ngân sách TP. Hồ Chí Minh bố trí khoảng 1.568.000 tỷ đồng.
Dự kiến dự thảo nghị quyết này sẽ được trình xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Bộ Xây dựng cho biết, phần kinh phí triển khai còn bao gồm các khoản chi cho việc xây dựng văn bản quy định chi tiết, tuyên truyền, phổ biến cũng như thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với danh mục và nhu cầu vốn cụ thể cho nhiều dự án trọng điểm. Đồng thời, các quy hoạch tỉnh, thành cũng xác định đến năm 2030 sẽ hình thành hệ thống đường sắt đô thị tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, và yêu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035.
Một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh (sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương) và Đà Nẵng (nếu sáp nhập Quảng Nam) cũng đã đề xuất điều chỉnh hoặc xây mới các tuyến đường sắt để phù hợp với địa giới hành chính mở rộng.
Trước đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng như cơ chế đặc thù cho phát triển đường sắt đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
"Việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để áp dụng chung cho đầu tư xây dựng các dự án đường sắt là rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, hiện thực hóa mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch", Bộ Xây dựng nêu quan điểm.
Nguyên Thảo