Bộ Xây dựng đưa ra 8 giải pháp để kiểm soát giá nhà ở

Bộ Xây dựng đưa ra 8 giải pháp để kiểm soát giá nhà ở
5 giờ trướcBài gốc
Nhận diện các yếu tố tăng giá
Qua tổng hợp, phân tích cho thấy nguồn cung bất động sản (BĐS) chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá BĐS tại một số khu vực, địa phương trong thời gian qua, giá bất động sản tăng còn do tác động bởi một số yếu tố như sau:
Thứ nhất, giá bán BĐS tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới. Đặc biệt tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt; có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời…
Giá nhà ở tiếp tục tăng cao trong quý III/2024.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận và của địa phương; đồng thời làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Thứ hai, hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới BĐS; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi. Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới BĐS, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường.
Thứ ba, biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang đầu tư nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư…
Trong quý I/2024, qua phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình hình tăng giá nhà ở với mức bất thường tại một số khu vực, dự án, khu chung cư trên địa bàn TP Hà Nội.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thị trường BĐS và kịp thời ổn định tình hình, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1488/2024/BXD-QLN đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh BĐS của các DN, chủ đầu tư, sàn giao dịch, môi giới BĐS trên địa bàn, đặc biệt tại các dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá như, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý hành vi vi phạm (nếu có). Qua việc triển khai thực hiện của TP Hà Nội, tình hình giá nhà ở thời gian sau đó đã dần ổn định.
Các giải pháp điều tiết cơ cấu giá nhà
Nhằm giảm giá nhà ở và ổn định thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, một số giải pháp, cụ thể: Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực BĐS mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024…và các văn bản quy định chi tiết.
Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và Công điện số 82/2024/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng: tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.
Để điều tiết cơ cấu giá nhà cần thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực BĐS mới được ban hành.
Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế..
Thứ năm, có giải pháp, biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của việc ban hành bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 đến mặt bằng giá đất, giá nhà, đến cung cầu của thị trường BĐS.
Thứ sáu, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch BĐS, hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, triển khai thực hiện các dự án bất động sản, hoạt động kinh doanh BĐS để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.
Thứ tám, tăng cường kiểm tra, giám soát, quản lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS, dịch vụ sàn giao dịch, môi giới BĐS…
Thứ chín, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS...
Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường BĐS, qua đó kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường để nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế nhằm bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh.
Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bo-xay-dung-dua-ra-8-giai-phap-de-kiem-soat-gia-nha-o.html