Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký ban hành Công điện gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng các tỉnh: Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Tháp, thành phố Đà Nẵng, cùng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk, Ban Quản lý dự án Hàng hải và Đường thủy.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, quyết liệt để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đã phân bổ cho các dự án (Ảnh minh họa).
Công điện nêu rõ: Theo báo cáo kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2025 của các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, tính đến hết tháng 4/2025, Bộ Xây dựng mới giải ngân đạt 15,88% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024 (20,97%).
Đáng chú ý, đối với các dự án được giao cho địa phương làm chủ đầu tư và 3 dự án lồng ghép nguồn vốn địa phương, tiến độ thực hiện và giải ngân vẫn còn rất chậm. Trong đó, 6 dự án có kết quả giải ngân rất thấp, thậm chí một số dự án vẫn chưa thực hiện giải ngân.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Giám đốc Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai các giải pháp đã nêu để đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí hay vi phạm quy định của pháp luật.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần yêu cầu các cấp chính quyền, hệ thống chính trị tại địa phương cùng vào cuộc để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng kéo dài; khẩn trương bàn giao công địa cho các đơn vị tổ chức thi công, đảm bảo hoàn thành và bàn giao dự án đúng tiến độ được phê duyệt.
Bộ Xây dựng cũng cảnh báo, trong trường hợp không giải quyết dứt điểm được công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến không thể hoàn thành dự án theo tiến độ, đặc biệt với các dự án đã được cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện và các dự án lồng ghép nguồn vốn địa phương, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét dừng thực hiện dự án, bàn giao về địa phương tiếp tục quản lý và đầu tư theo quy định của Luật Đường bộ năm 2024 và Nghị định số 65/2024.
Các biện pháp nêu trên nhằm hướng tới mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025, đồng thời sớm hoàn thành và bàn giao các dự án đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án cần phải hoàn thành ngay trong năm 2025.
Hồ An